Cùng nông dân bảo vệ môi trường
- Thứ bảy - 29/07/2017 10:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 28-7, tại tỉnh An Giang, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức triển khai giai đoạn 2 chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" gắn với việc tạo vùng nguyên liệu nông sản sạch cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa giúp giảm chi phí sử dụng nông dược Ảnh: NINH NGUYỄN
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân - những người trực tiếp tạo ra lương thực, thực phẩm bảo đảm an toàn. Trong giai đoạn 1 (2012-2017), chương trình đã tổ chức tập huấn cho nửa triệu nông dân ở 22 tỉnh, thành phía Nam; xây dựng 83 mô hình sản xuất tiên tiến áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học, nâng cao thu nhập cho nông dân. Điểm đáng chú ý của chương trình là đã tổ chức thu gom được gần 35 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng thuộc vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời và tổ chức tiêu hủy đúng quy định.
Trong giai đoạn 2 (2017-2022), 14 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV có doanh số hàng đầu tự nguyện tham gia chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" với nhiều điểm mới. Theo đó, mỗi tỉnh, thành sẽ xây dựng 3 mô hình ứng dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, áp dụng cho cây lúa, rau màu và cây ăn trái. Các vùng nguyên liệu trái cây (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm) được Cục BVTV cấp mã số để xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand) sẽ tham gia chương trình nhằm góp phần giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu ở phân khúc cao cấp.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, cho rằng thời gian qua, vướng mắc lớn nhất trong xuất khẩu nông sản là dư lượng thuốc BVTV, trong đó rau quả, gạo và hạt tiêu đã bị nước ngoài cảnh báo. Do đó, ngành đã có nhiều giải pháp để hướng đến nền nông nghiệp sạch. Cụ thể, ngành đang rà soát và giảm số lượng thuốc BVTV gốc hóa học, hiện khoảng 4.000 loại, mục tiêu đến năm 2021 giảm còn 30%. Khoảng 830 thuốc gốc sinh học đang có trong danh mục sử dụng, ngành sẽ tạo điều kiện để nhiều sản phẩm loại này được đăng ký mới.
Bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng trong tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) đang được Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với nông dân thực hiện. Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Định Thành, cho biết các chuyên gia quốc tế khi khảo sát để thực hiện tiêu chuẩn SPR vào đầu năm 2016, vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời được 67/100 điểm. Sau 2 mùa triển khai với nhiều nỗ lực, điểm hiện tại là 84/100, gần đạt chuẩn sản xuất bền vững theo yêu cầu (90-100 điểm).
Theo các chuyên gia, xét trên quy mô sản xuất nông nghiệp và lượng thuốc BVTV, Việt Nam đang sử dụng không nhiều so với các nước. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc hóa học không đúng cách đã khiến cho việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV cho sản phẩm gặp khó khăn. Ngoài ra, tình trạng vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bừa bãi và không được xử lý đúng đã làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nông dân cũng như chất lượng nông sản.
Tràn lan chất cấm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, nước ta sử dụng trung bình 15.000 -25.000 tấn thuốc BVTV. Bình quân, 1 ha gieo trồng sử dụng 0,4-0,5 kg thuốc BVTV. Việc sử dụng thuốc BVTV không hợp lý sẽ gây ra nhiều tác hại cho chính người sử dụng, người tiêu dùng nông sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết nông dân xịt thuốc, bón phân phần lớn là vô cơ, phân hóa học. Nông dân dùng quá nhiều phân đạm nhưng chỉ bón phớt trên mặt ruộng nên cây lúa, hoa màu sử dụng không hết, gây tốn kém rất lớn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi đó, các công ty BVTV thì luôn muốn tiêu thụ sản phẩm càng nhiều càng tốt để tăng lợi nhuận. Ở ĐBSCL, nông dân thường mua thuốc BVTV tại những đại lý gần nhà để đỡ tốn chi phí và được trả sau. Vì thế, đại lý thường bán những loại thuốc không được phép lưu hành để có lợi nhuận cao. Trong khi đó, người mua không biết mua phải sản phẩm bị cấm, mang về sử dụng tràn lan, dẫn đến gây tác hại đến môi trường. C.Tuấn