Cuộc bứt phá cho nông nghiệp sạch

Theo quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đến năm 2020 cả nước có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện tại 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng phê duyệt, 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND các tỉnh thành quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ sẽ tiếp tục quy hoạch và xây dựng. Đồng thời triển khai quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, nông nghiệp và nông dân là đối tượng tổn thương nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu. Con đường phát triển bền vững là phải tiến đến nền nông nghiệp công nghệ cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng giải bài toán nông nghiệp sạch rất nhọc nhằn vì nhiều thách thức đang "trói chân" nền nông nghiệp.

Chỉ nói riêng về ngành Lúa gạo, dù là quốc gia xuất khẩu trong tốp 3 thế giới, nhưng gạo Việt Nam không có thương hiệu và chịu sự cạnh tranh với các quốc gia như: Thái Lan, Indonesia,… Vừa qua, tại hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững cho ngành lúa gạo vùng ĐBSCL", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: "Campuchia đi sau chúng ta 15 năm về xuất khẩu gạo, nhưng gạo của Campuchia lại xây dựng được thương hiệu và xuất được vào EU. Còn chúng ta vẫn loay hoay? Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… phối hợp gỡ khó ngay cho ngành gạo. Sửa ngay những quy định, cơ chế không phù hợp để cởi trói, đưa ngành Nông nghiệp hội nhập bền vững.

Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp để triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao. Cả nước có 40 tỉnh, thành phố có dự án công nghệ cao, nhưng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, còn nhiều điểm nghẽn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó quan trọng là đất đai. Chính phủ đã có Nghị định 210 (ngày 19-12-2013) về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhưng quá trình triển khai còn rất nhiều điểm chưa sát với thực tế, nên Nghị định 210 đang được sửa đổi. Còn theo lãnh đạo NHNN, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng triển khai gói tín dụng này, nhưng còn chờ Bộ NN&PTNT có quy định cụ thể về đối tượng tham gia, tiêu chí xác định nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp, tiêu chí nông nghiệp sạch… Trên cả nước, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chưa tới 5.000, chiếm chưa tới 1% số doanh nghiệp đang hoạt động, rõ ràng không tương xứng với sự phát triển của ngành.

Năm 2017 được dự báo là có cuộc "đổ bộ" của các doanh nghiệp lớn nông nghiệp. Đây là tín hiệu tốt. Song, một vị chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp để tiến đến nền sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản rất cần thiết, nhưng phải có cơ chế bảo vệ nông dân. Cơ chế đó phải đảm bảo quyền lợi sử dụng đất của nông dân, để nông dân trở thành cổ đông của doanh nghiệp, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp gom đất của nông dân, nhân danh đầu tư nông nghiệp nhưng lại sử dụng vào mục đích khác. Cùng đó, vốn hỗ trợ phải đúng địa chỉ mới tạo được cuộc bứt phá cho nông nghiệp sạch.

Theo Gia Bảo/ Báo Cần Thơ