ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN: Còn khoảng trống lớn!

ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN: Còn khoảng trống lớn!
Bộ NNPTNT vừa họp “Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn”. Trước tình trạng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã lắng nghe kiến nghị của DN để có những tháo gỡ kịp thời.

Có, nhưng chưa đủ…

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhờ thực hiện các chính sách đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của cả nước. Bước sang giai đoạn phát triển mới, nông nghiệp đang được kỳ vọng tạo ra xung lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Để làm được việc này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp… Có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nhà nước ban hành nhiều chính sách, nhưng cũng còn nhiều khoảng trống ngăn cản sự phát triển, đầu tư vào ngành nông nghiệp như: Công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp, chính sách về đất đai, khuyến kích nông nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng nêu rõ ý kiến về sự tham gia của khối DN trong phát triển nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, dù gần đây có một số DN lớn đã tham gia vào lĩnh vực này. Thời gian qua, nông dân đã sản xuất nhiều loại nông sản xuất khẩu xếp ở vị trí cao trên thị trường thế giới, nhưng vẫn gặp khó khăn do khâu thương mại, chế biến nâng cao giá trị gia tăng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nên lợi ích mà nông dân được hưởng chưa tương xứng với những gì đóng góp. “Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy tình hình chuyển biến chậm” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nóng các kiến nghị

Tại cuộc họp, những vướng mắc về chính sách đất đai, áp dụng khoa học công nghệ, tín dụng, các loại thuế giá trị gia tăng, thuế đất trong từng trường hợp cụ thể đã được các DN kiến nghị với Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp để liên kết các DN đầu tư vào hoạt động nông nghiệp, nông thôn. TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn - trăn trở làm thế nào để mở ra làn sóng đầu tư lớn vào nông nghiệp? Các DN cần bàn bạc để tạo ra một sân chơi và cách thức phối hợp hiệu quả nhất. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đã hình thành nhóm công tác thu hút đầu tư từ tháng 2.2015. Trước Tết Nguyên đán, 8 DN đã được mời nhóm họp về các chính sách và cách phối hợp đầu tư. Các DN đều đề ra đề án đầu tư rất quyết tâm. Bộ NNPTNT đã làm đề án gửi tới 28 thành viên tạo ra hình thức trao đổi thông tin hiệu quả. Nội dung chính được nhóm đặt ra là cầu nối chính sách, chia sẻ thông tin, hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội đầu tư, xúc tiến hình thành các dự án đầu tư nông nghiệp trọng điểm; hợp tác nghiên cứu phát triển, tài chính, thông tin, công nghệ phối hợp với nhau để các nhà đầu tư triển khai dự án hiệu quả; nhân rộng đề án đầu tư đột phá chuyển thành làn sóng đầu tư lớn vào nông nghiệp từ các DN trong nước và nước ngoài.

Một ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm là của ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú - đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam: “Thành công của nuôi tôm Việt Nam là giá có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực hiện nay cần phải tiếp tục cải tạo giống. Hiện nay, DN đang nghiên cứu xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống bố, mẹ chất lượng cao. Chúng tôi đề nghị Bộ NNPTNT xem xét để DN thành lập trung tâm này ở Côn Đảo. Về con giống, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho người dân nuôi đảm bảo thành công. Đã đến lúc chúng ta phải làm chuỗi giá trị, làm sao để mọi người tham gia trong chuỗi đều được hưởng lợi”.

Trước những ý kiến của nhiều DN với từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cam kết: “Ý kiến vướng mắc của từng DN cụ thể tôi đã trực tiếp trả lời và chiều nay, văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT sẽ hoàn thành. Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc rà soát tháo gỡ khó khăn cho DN. Qua những vướng mắc, đề xuất của từng DN, cho thấy một số vấn đề liên quan đến nhiều DN và chủ trương chính sách lớn của Chính phủ, trên cơ sở này, Bộ NNPTNT sẽ làm việc với các cơ quan liên quan và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý triệt để những vướng mắc còn lại”.


Thu Hà
Theo laodong.com.vn