ĐBSCL: Làm gì để dân giầu?
- Thứ ba - 26/09/2017 10:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh kế bấp bênh
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, lo lắng khi sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sinh kế của người dân ĐBSCL cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước. Tính đến tháng 3/2017, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới của ĐBSCL cũng chỉ ở mức 22,7% thấp hơn mức cả nước là 30,5% và chưa bằng một nửa so với đồng bằng sông Hồng là 55,4%. Tỷ lệ nghèo của ĐBSCL năm 2016 là 9,66% cao hơn khá nhiều so với mức 4,76% của đồng bằng sông Hồng.
Lao động ở ĐBSCL bị tắc lại ở khu vực nông nghiệp do khu vực dịch vụ và công nghiệp không tạo ra nhiều việc làm. Phần lớn dân cư nông thôn ở ĐBSCL làm việc ở khu vực phi chính thức có điều kiện làm việc khá rủi ro. Tỷ lệ lao động di cư ra khỏi khu vực cũng khá cao, với mức 6,7% tổng dân số vào năm 2014.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân lớn nhất của vấn đề thiếu sinh kế bền vững cho người dân là do ĐBSCL thiếu chiến lược và chính sách căn cơ cho toàn đồng bằng, thiếu tính kết nối giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, thiếu thể chế phát triển liên kết vùng.
GS Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ĐBSCL có hạn chế lớn trong liên kết giữa các lĩnh vực nội bộ ngành nông nghiệp. Cụ thể, hệ thống thủy lợi vẫn tập trung chủ yếu phục vụ sản xuất lúa gạo, chưa bảo đảm cho phát triển các sản phẩm có giá trị cao thích ứng với BĐKH như cây trồng cạn, thủy sản. GS Đào Xuân Học nêu ví dụ về việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn của các vùng ven biển, đặc biệt là bán đảo Cà Mau gặp nhiều khó khăn do chưa hài hòa, gắn với sinh kế của các hộ nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, đầu tư công cho khu vực cũng còn hạn chế, thiếu hạ tầng hậu cần phục vụ cho nông nghiệp, hơn 70% hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng biển ở TPHCM và Vũng Tàu mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
ĐBSCL cũng hạn chế rất lớn trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp. Hiện, ba khâu yếu kém nhất trong ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là giống, thức ăn thủy sản và chế biến sâu. Chính vì vậy mà chưa tạo được động lực mạnh mẽ để nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp giá trị cao và bền vững.
Tạo sinh kế từ hệ sinh thái bản địa
Hiện tại, vùng ĐBSCL đang và sẽ chịu các tác động của quá trình phát triển nội tại, của BĐKH và các hoạt động của khu vực thượng nguồn. Những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo sinh kế của người dân sẽ biến đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng. Vì vậy, những giải pháp thích ứng, tạo sinh kế cần dựa theo quy luật của tự nhiên và hệ sinh thái bản địa.
Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển kinh tế Hoàng Ngọc Phong cho rằng, cần giảm dần diện tích lúa theo hướng chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa 3 vụ sang lúa 2 vụ và luân canh với 1 vụ rau màu hoặc thủy sản. Chuyển sự tập trung vào số lượng sang chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Về trái cây, cần phát triển chuyên canh hướng tới các thị trường xuất khẩu giá trị cao, chuyển từ vườn tạp sang vườn chuyên và thâm canh các loại trái cây thế mạnh như: Xoài, bưởi, sầu riêng, dừa…
Theo chuyên gia nông nghiệp, để tạo sinh kế từ thủy sản cần chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa nuôi trồng trong nội địa với nuôi trồng trên biển. Phát triển mạnh nuôi, trồng trên biển, nuôi hải sản lồng bè quanh các đảo ở Kiên Giang, Cà Mau. Đặc biệt, cần đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp, phát triển nuôi các thủy sản bản địa như: Cá sặc rằn, thác lác, cá kèo…
Trong khai thác hải sản, cần chú trọng xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để định hướng khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản trên biển, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Cùng với đó là không ngừng đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất trong thu hoạch.
Đối với chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL góp ý, cần tập trung vào các sản phẩm thủy cầm (vịt chạy đồng, vịt biển…) kết hợp quy hoạch ở quy mô hợp lý chăn nuôi bò thịt và lợn phục vụ thị trường tại chỗ của ĐBSCL và TPHCM. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống chế biến sâu các sản phẩm từ chăn nuôi gia cầm hướng đến xuất khẩu.
Riêng đối với lâm nghiệp, phát triển rừng ngập mặn là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của ĐBSCL. Việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ chống xói mòn và sạt lở ven biển, thúc đẩy đa dạng sinh học, gắn với phục hồi sinh thái là nền tảng cho phát triển sinh kế bền vững. Đảm bảo sinh kế cho người dân là sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ rừng ngập mặn với phát triển thủy sản và du lịch sinh thái ven biển, đặc biệt là khu vực bán đảo Cà Mau.
Thu Cúc/baochinhphu.vn