ĐỂ XỨNG ĐÁNG LÀ HẠT NHÂN CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ
- Thứ hai - 31/07/2017 05:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngược lại, không ít địa phương dù có nhiều thuận lợi, nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới vẫn "ì ạch" do cách làm chưa hiệu quả.
Thực tế những thành công hay yếu kém ở các địa phương, đơn vị cơ sở đều cho thấy rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Ở đâu TCCSĐ thực sự xứng đáng là hạt nhân chính trị, là cầu nối giữa Đảng với dân, vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy đoàn kết, luôn quan tâm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì ở đó có thành công. Và ngược lại.
Người dân xã Minh Thành (Yên Thành, Nghệ An) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: baonghean.vn.
TCCSĐ gồm đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở, có vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thời gian qua, những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp quần chúng hay công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng… có trách nhiệm không nhỏ của TCCSĐ. Không ít TCCSĐ đã buông lỏng công tác kiểm tra, quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, dẫn đến đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Không ít TCCSĐ chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng, củng cố TCCSĐ trong tình hình mới; còn xem nhẹ tiêu chí kết nạp đảng viên; nội dung sinh hoạt đơn điệu, hình thức, chưa thực sự phát huy dân chủ; nguy hiểm nhất là các thành viên cấp ủy chưa thực sự gương mẫu, sâu sát...
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng TCCSĐ, bởi sự vững mạnh của TCCSĐ là điều kiện bảo đảm sự vững mạnh của toàn Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ là yêu cầu cấp thiết và phải được bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về vị trí, vai trò của TCCSĐ; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các TCCSĐ, đặc biệt là coi trọng chất lượng sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo và sinh hoạt chuyên đề.
Trong sinh hoạt, cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết và cách thức, biện pháp kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết. Công tác phát triển đảng viên phải coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối giữa đảng viên trẻ và đảng viên có kinh nghiệm, nhằm tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển của TCCSĐ; chú trọng công tác phát triển Đảng ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu.
Thực tiễn đã khẳng định, chỉ trên cơ sở chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thì nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng mới bảo đảm đoàn kết, thống nhất trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của TCCSĐ trong tình hình mới.