DN cần nâng cao năng lực quản lý cho tương thích với thực tế

DN cần nâng cao năng lực quản lý cho tương thích với thực tế
Không có quốc gia hùng cường nếu không có DN hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng.
01.jpg
Các sản phẩm được trưng bày thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của khu vực DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp lần thứ ba ngày 23/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Doanh nghiệp (DN) là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế, DN là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Không có quốc gia hùng cường nếu không có DN hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng.

Khởi nghiệp mạnh mẽ nhưng...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tinh thần khởi khiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, số DN thành lập mới tăng cao trong 5 năm qua, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn DN. 

Niềm tin, kỳ vọng của DN và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số DN có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo DN APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.

Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia. 

“Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển và đóng góp của DN đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, DN vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển. Tất cả cần phải được tập trung làm rõ các nguyên nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ thúc đẩy DN phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất gợi mở chính sách, định hướng để giải quyết các vấn đề căn cơ.

Cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia. Các DN lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế.

Cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo. 

Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cần tiếp tục tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao của người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở  nhiều nước phát triển, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. 

Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển DN, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chính cộng đồng DN cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

“DN cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính DN, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thiếu quy hoạch

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, trong xu hướng kết hợp đa vật liệu của thế giới, ngành chế biến gỗ không còn gói gọn trong một ngành mà đã là tổng hoà của nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, sự kết hợp giữa các ngành nghề, các tổ chức,… là rất cần thiết trong việc phát triển hệ sinh thái cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Khanh, hiện nay tư tưởng cục bộ địa phương đã làm giảm khả năng phát huy được sức mạnh cốt lõi từng hiệp hội. Bên cạnh đó, việc chưa có quy hoạch ngành cũng đang phổ biến ở bất cứ ngành nào dẫn đến việc khó tổ chức được chuỗi giá trị, không phát huy mô hình tích hợp gắn kết.

“Nếu biết kết hợp các ngành nghề, các hiệp hội cùng ngồi lại với nhau sẽ tạo nên các giá trị lớn hơn. Hiệp hội gỗ đề xuất nhà nước nhanh chóng tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế, xứng tầm để phát triển thế mạnh của từng điạ phương nhưng vẫn tổng hoà được các giá trị của các ngành nghề, từ đó cùng làm nên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam bền vững”, ông Khanh đề xuất

Hoàn thuế để đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, năm 2019 là năm toàn ngành sợi gặp khó do đơn giá xuất khẩu đi Trung Quốc giảm trên 15%, trong khi bông, xơ chỉ giảm 5%, các đơn vị không trong chuỗi cung ứng mà xuất cho các công ty thương mại đều thua lỗ trung bình 6-8 tỷ đồng/năm cho 10.000 cọc sợi thì các nhà máy sợi nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất vải, may mặc và phân phối vẫn duy trì lợi nhuận 1% doanh thu, thấp hơn các năm trước (3-3,5% doanh thu) nhưng không thua lỗ.

“Có thể nói, khi trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh để duy trì được vị trí, đó là nhiệm vụ bắt buộc để các DN nói chung và DN ngành dệt may nói riêng có thể phát triển bền vững”, ông Trường cho biết.

Từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu, và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ông Trường cho biết, ngành dệt may xác định các mục tiêu của năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 6%; riêng năm 2020, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5-42 tỷ USD; năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tăng lên 55 - 60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay (2,5 triệu lao động công nghiệp), năng suất lao động trên đầu người tăng 150%.

Để làm được điều này, Tập đoàn Dệt may đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp cho phát triển bền vững như giảm tỷ lệ phát thải; đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo; sử dụng robot ở những vị trí làm việc có nguy hại môi trường, đồng thời tích hợp dữ liệu lớn trong ngành dệt may Việt Nam và liên thông với môi trường dữ liệu của các nhà mua hàng, các nhà điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu…

02.jpg

Số DN đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Kiến nghị với Thủ tướng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Chính phủ có thể hoàn lại thuế TNDN đã nộp cho lợi nhuận, sau đó được sử dụng đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh, không thu thuế GTGT của các chi phí đầu tư và sử dụng nguyên liệu nội địa, giảm thuế TNDN trong 5-10 năm...

“Đặc biệt, Chính phủ cần có quy hoạch khoảng 10 khu công nghiệp dệt may quy mô 300-500ha/khu, có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để DN vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng…”, ông Trường đề xuất.

Mong muốn được hỗ trợ thuế

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang, Vingroup đã rút khỏi lĩnh vực bán lẻ và nông nghiệp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp, đặc biệt là ô tô. Việc nghiên cứu và phát triển ô tô, xe máy điện là hướng đi mới, chắc chắn có khó khăn. Ngay cả trên thế giới, có hãng xe máy điện hàng đầu thế giới cũng lỗ hơn 10 năm, mới đây mới bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên, Tập đoàn cam kết sẽ kiên định mục tiêu đề ra, để ghi danh Việt Nam trên bản đồ sản xuất ô tô toàn cầu. Tập đoàn mong muốn được hỗ trợ thuế, phí, đặc biệt là thuế đối với ôtô động cơ điện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành ôtô. Bên cạnh đó, Chính phủ có hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích cả nhà sản xuất, người tiêu dùng, chính sách xanh sử dụng động cơ điện.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cụ thể, thể chế phải được đổi mới hơn để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

Riêng đối với hộ kinh doanh, về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu khung pháp lý cho đối tượng này. Chính sách không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành DN mà cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN. 

“Chính phủ cần miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi. Đối với DN siêu nhỏ, Chính phủ cũng nên giảm thuế thu nhập DN từ 17% xuống còn 15%”, ông Thân kiến nghị.

Tạo môi trường kinh doanh để DN đầu tư vào nông nghiệp

Hưởng ứng lời kêu gọi DN tham gia cùng cơ quan nhà nước vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng số hóa để thay đổi và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - PTNT, Tập đoàn Masan đã đặt mục tiêu đầu tư vào nền nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chất lượng - xu hướng tối ưu mà các cường quốc nông nghiệp trên thế giới đang áp dụng. Tập đoàn Masan là đơn vị tiên phong đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến thế giới vào mô hình nông nghiệp khép kín 3F “từ trang trại đến bàn ăn”, hoàn thiện chuỗi giá trị tích hợp, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm. Mục tiêu phục vụ các sản phẩm chất lượng cao cho gần 100 triệu người Việt Nam và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Với việc sáp nhập VinCommerce và VinEco vào Tập đoàn Masan vừa qua, DN đã sở hữu thêm hệ thống 14 trang trại công nghệ cao, sản xuất, xây dựng và phát triển nông sản thương hiệu Việt, sẵn sàng tham gia hệ thống cung ứng toàn cầu. Cũng thông qua việc sáp nhập này, Masan đã tạo ra một nền tảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, giữ lại thị trường Việt cho chính các DN nội và giúp người tiêu dùng Việt hưởng lợi từ các kênh phân phối hiện đại.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan đã thẳng thắn đưa ra những kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng DN tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp cần phải được điều chỉnh một số điểm để khuyến khích đông đảo doanh nghiệp tham gia và có nguồn lực đủ lớn để bứt phá.

CEO của Masan Group cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp và hỗ trợ DN cho công tác xây dựng các chuỗi sản phẩm mà một mình DN không thể làm được. Cụ thể như: Truyền thông hướng dẫn, kết nối người nông dân, kết nối HTX, kết nối DN sản xuất để đảm bảo các chuỗi cung cấp nông sản Việt…

Khó vay vốn

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) đề cập việc nhiều ngân hàng thương mại e ngại cho vay trong khi tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn.

Theo ông, DN cần vốn để sản xuất quy mô lớn, toàn cầu. Nếu chỉ trồng chuối 50-100ha thì sản lượng không ổn định cho xuất khẩu. Không thể chỉ xuất khẩu 5 container một ngày mà cần nhiều hơn thế. Quy mô lớn là một điểm mạnh và cơ hội trong thời gian tới. 

Giải đáp vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong số các lĩnh vực, nông nghiệp, sản xuất luôn được ngân hàng ưu tiên rót vốn. Ông khẳng định, sẽ đề nghị các ngân hàng tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Sốt ruột với chính sách điện mặt trời

Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ông Đặng Văn Thành, cho rằng, năm 2019 chứng kiến sự phát triển sôi động của điện mặt trời với sự tham gia của các DN tư nhân cùng chính sách giá khuyến khích 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017.

Nhờ đó, đến hết tháng 6, cả nước đã có 98 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất gần 5.000 MW được đưa vào vận hành, trong đó 89 nhà máy điện mặt trời, công suất xấp xỉ 4.500 MW. Song con số này đã vượt xa quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời). Trong khi đó, sau 30/6 - khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, vẫn chưa có cơ chế giá mới.

Ông kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có cơ chế giá khuyến khích điện mặt trời và tháo gỡ những vướng mắc của Luật Quy hoạch với bổ sung quy hoạch. Cùng đó, cải thiện hệ thống truyền tải lưới điện quốc gia để giải toả công suất các dự án điện mặt trời khi hoà lưới.

“Có cơ chế giá mới cho điện mặt trời các nhà đầu tư sẽ khai thác tối ưu nguồn năng lượng, đáp ứng tiêu dùng điện ngày càng tăng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thành nhận xét.  

Sở, ngành bàng quan, vô cảm với DN

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright, nhận định vẫn còn những sở ngành bàng quan, vô cảm, chưa xem khó khăn của DN là trách nhiệm của chính họ. Do đó, đây là điểm cần được quan tâm, tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấm dứt tình trạng hù doạ DN. Ông nói, ngay khi đang tham dự Hội nghị này vẫn nhận được tin nhắn phản ánh cấp chuyên viên ở một số bộ, ngành nhũng nhiễu, đá qua đá lại, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

“Phải loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đồng tình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng theo công bố mới nhất của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, 55% DN vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức. Trong đó, có 1 bộ phận DN phải bôi trơn lớn, chiếm tới 10% tổng doanh thu.

Đặc biệt nhấn mạnh đến việc thanh kiểm tra, Phó thủ tướng nói, theo chỉ đạo, cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trùng lắp. Tuy nhiên, tỉ lệ DN hằng năm bị thanh tra, kiểm tra vẫn còn rất lớn, chiếm tới 1/3. Khảo sát năm 2019 cũng chỉ ra vẫn còn 19% số DN bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên.

Phải thực sự thay đổi tư duy

Điểm lại thành tựu kinh tế - xã hội năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2019 trên 7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định.

Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố.

Năm 2019, thu hút được hơn 32 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân được trên 17 tỷ USD, cao nhất trong những năm gần đây. Cùng đó, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, khoảng 15% và dự báo tăng lên 50% vào năm 2020.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đóng góp vào thành quả kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả DN tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”.

Tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như xử lý việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai.

Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản DN và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường, những vấn đề này thường làm cho DN chờ đợi, mất nhiều thời gian.

Cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường, khuyến khích DN FDI và DN nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị.

Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép là một yêu cầu đặt ra, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch, nhất là tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của DN ở địa phương.

Chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót hay chỉ là bất đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải bảo đảm rằng, tất cả các ý kiến của DN đều phải được lắng nghe và tôn trọng, còn việc tiếp thu hay không phải thảo luận, phải phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất. “Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương mạnh mẽ đổi mới tư duy và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương mình để tương thích với mặt bằng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế Nhà nước với tư nhân, DN với hộ kinh doanh cá thể, DN lớn và DN nhỏ… Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, “tham lớn bỏ nhỏ”.

Thủ tướng bày tỏ: Một cộng đồng DN lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có trên 126.000 DN thành lập mới.

Năm 2019, dự kiến 136.000 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760.000 DN.