DN tính cách để “sống khỏe” trong biến đổi khí hậu

DN tính cách để “sống khỏe” trong biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp thì giải pháp quan trọng và cần thiết để thích ứng với BĐKH là ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh.
Nhà nông sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ ứng dụng nông nghiệp thông minh. Ảnh: ST.

Phát triển riêng theo từng vùng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất. Trong năm 2016, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất. Việc sản xuất trồng trọt thiệt hại nặng nề là một trong những nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (giảm 0,18%) trong sáu tháng đầu năm.

Theo dự báo của các nhà nghiên cứu khoa học thế giới về BĐKH, trong số 13 vùng đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ bởi BĐKH, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là khi nước biển dâng. Kịch bản của BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2030-2040 cho thấy nhiều nơi ở khu vực này, lượng mưa đầu vụ Hè - Thu sẽ giảm khoảng 10 đến 20%; xâm nhập mặn sớm hơn, sâu hơn vào nội đồng...

Việc sản xuất nông nghiệp đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do BĐKH gây ra khiến các bộ, ngành và địa phương cần phải có những giải pháp thiết thực để ứng phó hiệu quả. Trong đó, phải chú trọng ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh bởi mô hình này đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo khả năng thích ứng và năng lực phục hồi sản xuất sau BĐKH.

Cụ thể, tái cơ cấu nông nghiệp trong BĐKH cần cải thiện hệ thống tưới tiêu, cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng BĐKH nhằm giúp nông dân sản xuất được nhiều sản phẩm hơn với đầu tư ít hơn, trong khi đó lại giảm được phát thải nhà kính phải là ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển một mô hình cụ thể, phù hợp với sự biến đổi khí hậu của từng vùng, miền là điều cần làm ngay.

Ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh

Theo ông Nguyễn Xuân Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi Miền núi Phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), nông dân Việt Nam đang đối mặt với vấn đề rất quan trọng là BĐKH và nước tưới. Tại Việt Nam, chi phí về nước tưới trong nông nghiệp rất cao trong giá thành sản phẩm, điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đơn cử, theo tính toán, để có mỗi ly cà phê cho người tiêu dùng, cần chi phí mất tới 140 lít nước tưới từ khi bắt đầu cho đến khi thu hoạch. Sản xuất 1 kg cà phê, Nhà nước phải chi phí 1.000 đồng để cấp nước (chi phí thủy lợi đầu mối) và người dân cũng phải chi phí về nước thêm 3.000 đồng nữa (phục vụ tưới cà phê). Do đó, giá thành cà phê ở Việt Nam cao hơn nhiều nơi trên thế giới, vì thế mà sức cạnh tranh của sản phẩm thấp đi. Nhưng nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

Thực tế gần đây đã có Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) được triển khai tại 7 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam. Dự án này nhằm thúc đẩy hơn nữa việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. Trong đó, nội dung về nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH xây dựng một số mô hình gồm: Mô hình thâm canh bền vững, sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn (lúa, cây ăn quả) và mô hình sản xuất hàng hoá giá trị cao, thâm canh bền vững đa dạng các loại cây trồng cạn, chuyển đổi sử dụng đất lúa một cách linh hoạt.

Là một trong các doanh nghiệp triển khai cải thiện công nghệ tưới, ông Phùng Quang Thạnh, Giám đốc Công ty giống thực vật INCEER (Hòa Bình) cho biết, việc thực hiện mô hình này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế của Công ty.

Triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn, theo Hợp tác xã rau sạch VietGAP Thạch Thất (Hà Nội), việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên hệ thống canh tác đất cây trồng cạn, đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu thị trường cho từng loại cây màu, mùa vụ canh tác và xây dựng chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, giảm thiểu tồn dư độc hại đối với sản phẩm sau thu hoạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế 15.000 tỉ đồng. Đợt mưa lũ trong tháng 10 và 11/2016 cũng gây ra những hậu quả nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ 2016-2020 cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do Elnino gây ra. Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.


Tác giả bài viết: Xuân Thảo

Nguồn tin: www.baohaiquan.vn