Đà Nẵng: Xác định ranh giới 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao để kêu gọi đầu tư
- Thứ ba - 17/10/2017 10:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành văn bản thống nhất ranh giới 3 vị trí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo bản vẽ do Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất.
Theo đó, vị trí 1 là Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Hòa Ninh có ranh giới đất được xác định bởi: phía Bắc giáp đất dự trữ, phía Nam giáp ranh giới khu nhà nghỉ chuyên gia và các dịch vụ phụ trợ phía Nam khu Công nghệ cao, phía Tây giáp đất dự trữ, phía Đông giáp ranh giới khu nhà nghỉ chuyên gia và các dịch vụ phụ trợ phía Nam khu Công nghệ cao, nghĩa trang Hòa Ninh và đất trống, diện tích là 140ha.
Vị trí 2 là Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Hòa Phú, ranh giới đất được xác định bởi phía Bắc giáp đất ruộng và đất dân cư hiện trạng, phía Nam giáp đất trống, phía Tây giáp đất ruộng, phía Đông giáp Sông Túy Loan, diện tích là 24,5ha.
Vị trí 3 là Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Hòa Khương, có ranh giới đất được xác định: phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng, phía Nam giáp tuyến mương thủy lợi, phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng, phía Đông giáp tuyến mương thủy lợi, diện tích là 26,1ha.
Riêng đối với vị trí 4 và vị trí 7 tại Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13-4-2017 của UBND thành phố, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ ranh giới đất nông nghiệp được duyệt tại đồ án Quy hoạch phân khu các khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để giới thiệu địa điểm, kêu gọi đầu tư.
Sau khi có nhà đầu tư tham gia, sẽ thực hiện các thủ tục lập quy hoạch và đầy đủ các thủ tục có liên quan theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, tại Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13-4-2017, UBND TP. Đà Nẵng đã kí phê duyệt 7 địa điểm quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Theo đó, các địa điểm được quy hoạch đều thuộc huyện Hòa Vang. Cụ thể, có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng rau, hoa, cây dược liệu tại xã Hòa Ninh (40 ha) và tại xã Hòa Phú (50 ha); 2 vùng chăn nuôi khép kín áp dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khương (30 ha) và thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (230 ha); 2 vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Khương (20 ha) và xã Hòa Phong - Hòa Khương (20 ha); vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, tôm, cua tại xã Hòa Liên (50 ha). |
Diệu Linh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng