Đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất và thị trường
- Thứ sáu - 23/05/2014 00:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa vững chắc. Nguồn: internet
Quan tâm đặc biệt tới công tác xóa đói giảm nghèo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư công - cũng là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến, bên cạnh phát huy nội lực của tỉnh, cũng cần có sự quan tâm của Nhà nước để thực hiện các dự án bằng nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực, đẩy nhanh tiến độ để khai thác, sử dụng, vận chuyển, mua bán sinh hoạt của người dân địa phương trong các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Hạ tầng thủy lợi cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Vừa rồi trung ương có đầu tư cho tỉnh nhưng ở chừng mực nào đó. Thứ ba là việc quan tâm đầu tư cho giảm nghèo nhanh và bền vững ở tất cả các địa phương, tạo điều kiện cần thiết để đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể hơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở khẳng định, nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa vững chắc. Một trong ba điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển KT - XH là cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thể chế, trong đó có lĩnh vực hành chính công và chi tiêu công. Trong lĩnh vực đầu tư công, Theo đại biểu Trương Văn Vở, điều quan trọng là phải tính toán lại, phải điều chỉnh sửa đổi thậm chí cần ban hành mới hệ thống luật cho đồng bộ liên quan đến đầu tư công.
Bên cạnh việc quan tâm đến những chính sách giảm nghèo một cách thiết thực hơn, mới hơn đối với tình hình thực tế hiện nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Lê Thị Tám cho rằng, cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp. Cần có những chính sách để các doanh nghiệp đứng vững và phát triển tốt hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền nước ta trên biển Đông, nếu không được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến xu hướng phục hồi của nền kinh tế, đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội...
Nhiều đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế phải gắn với tình hình hiện tại của đất nước. Theo đó, cần chủ động các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chủ động các nguồn nguyên liệu phục vụ cho đầu tư sản xuất sản phẩm; hỗ trợ thị trường với các chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, giảm và tránh tối đa sự phụ thuộc từ bên ngoài.