Đại gia bỏ vốn vào nông nghiệp, nhà nông sẽ “cùng thắng”?
- Thứ tư - 15/04/2015 04:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến nay, đã có 5 người siêu giàu trên thị trường chứng khoán bỏ ngót triệu đô đầu tư vào nông nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là, liệu chăng ngành nông nghiệp Việt Nam sắp hết cảnh nghèo khó và người nông dân sắp được lợi lớn?
Nhà nông sẽ cùng thắng?
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về nông nghiệp, các đặc sản nông nghiệp Việt Nam đã có chất lượng nhưng thiếu cách thu hoạch, bảo quản và đóng gói. Cái thiếu lớn nhất của hàng hóa nông nghiệp là thương hiệu và thị trường. Cái yếu lớn nhất của bà con nông dân là sản xuất quy mô lớn và làm ăn theo chuỗi giá trị. Nếu vào tay các DN lớn, hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ khắc phục được hai cái thiếu trên.
Đối với ngành nông nghiệp, hàng hóa nông nghiệp là vậy, còn đối với người nông dân thì sao? Trong chuỗi giá trị mà các đại gia kiếm được từ nông nghiệp, người nông dân sẽ được hưởng lợi gì? GS Xuân nhận xét: “Còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu các DN ứng dụng 100% máy móc vào sản xuất, thì chẳng những người dân không được lợi mà còn kế sinh nhai, thất nghiệp”
Ông lấy ví dụ: Bầu Đức trồng hàng nghìn ha mía, ngô nhưng chủ yếu sử dụng máy từ làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch, phơi sấy… và chế biến thành phẩm. Rất ít người nông dân được tham gia vào chuỗi sản phẩm của họ. Mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, Áp dụng máy móc nhiều, kỹ thuật cao nên chi phí giảm, giá sản phẩm của các nhà máy đường của bầu Đức mới rẻ và khi nhập đường về Việt Nam, đường của Hoàng Anh Gia Lai mới là nỗi khiếp sợ của các DN mía đường trong nước.
Còn theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT, triết lý cùng thắng (win – win) trong kinh doanh sẽ được ứng dụng trong nông nghiệp với sự bắt tay của doanh nghiệp – nhà nông và nhà khoa học. Theo đó, các DN hoàn toàn có cơ sở để bắt tay với người nông dân, cung ứng cho họ vốn, đất đai, công nghệ, kỹ thuật để trồng, chăn nuôi, chăm sóc và cam kết thu hoạch với mức giá thỏa thuận. Còn người nông dân yên tâm cùng DN bỏ phần tiền, công sức, tuân thủ quy trình và bán lại nguyên liệu cho DN. Triết lý cùng thắng ở chỗ DN vừa giảm một nửa chi phí đầu tư, có nguồn nhân công không phải trả tiền và đặc biệt đảm bảo được nguyên liệu cho đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, làm theo mô hình DN bắt tay nhà nông cần sự cam kết giữa chủ DN, nhà nông về mức giá thỏa thuận sao cho đảm bảo quyền lợi tương xứng cho cả hai. Thực tế, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nơi, các khu vực trồng cao su, cà phê, cây mía đường, sắn, dứa hay mới đây là nuôi bò sữa cung cấp sữa cho nhà máy…. Nhưng đã có hiện tượng, người nông dân phá bỏ hợp đồng với chủ DN, bán nguyên liệu cho chủ hàng khác với giá cao hơn nhà máy. Hoặc chủ DN bỏ mặc nguyên liệu của người nông dân khi nguyên liệu dư thừa so với công suất hoặc có xung đột giá giữa hai bên.
Không hẳn là cuộc chơi siêu lợi nhuận?
Tuyên bố nuôi bò siêu lợi nhuận hơn bất động sản của Bầu Đức mới đây đã được lý giải khi sản lượng mía đường và bắp ngô khai thác năm 2014 đã cứu thua cho một năm doanh thu của ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Theo TS Sơn, có ba lý do khiến các nhà đầu tư vào nông nghiệp là nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất thực tế, đầu tư vào đây lãi ít nhưng rủi ro thấp hơn đầu tư chứng khoán, bất động sản. Thứ hai là Việt Nam ngày càng mở rộng hợp tác thương mại với các nước trên thế giới, trước mắt là có 8 hiệp định thương mại song và đa phương FTA sẽ được đàm phán và ký kết. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Thứ 3 là nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi mô hình trang trại với những vật nuôi giá trị kinh tế cao đang có siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, cái khó đầu tư nông nghiêp chính là diện tích đất, chính sách đất đai còn nhiều phức tạp. GS Xuân khẳng định: “Nông nghiệp là lĩnh vực đặc thù với số lao động đông đảo, trình độ lao động thấp, tư liệu sản xuất là đất đai liên đới đến quyền lợi của người dân. Chính vì thế, khi đầu tư nông nghiệp, nhiều DN rất ngại ở những vùng có đông dân cư, họ thường chọn những nơi xa dân, lập trang trại, đồn điền để tự làm ăn theo triết lý của mình. Tuy nhiên, nếu DN đủ niềm tin cho người nông dân, làm giàu cho mình và cho họ thì chắc chắn vấn đề hợp tác giữa người nông dân và DN sẽ đem lại rất nhiều giá trị”.
T S Sơn nói thêm: thực tế chính sách đất đai tại Việt Nam hiện còn nhiều tồn tại xoay quanh vấn đề quản lý sử dụng, quy mô, phương thức thu hồi, quy hoạch, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Chính sách chưa tạo sân chơi thông thoáng cho doanh nghiệp. Các DN muốn có đất đầu tư phải đàm phán với từng nhà nông để thuê – mua lại quyền sử dụng. Sau đó, họ không được dùng quyền sử dụng đất này đi vay, cầm cố ngân hàng để đầu tư. Như vậy cả mục đích sử dụng và giá trị tài sản đều không thuận lợi khi họ muốn đầu tư.
Theo fica.vn