Đắk Lắk: Gần 90 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp

Đắk Lắk: Gần 90 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn.
Bà con nông dân được khuyến khích và hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, tiêu thụ cà phê sạch bền vững giúp gia tăng giá trị kinh tế

 
Năm 2018, toàn tỉnh có 89.959 hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có trên 20% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Hàng năm, các cấp Hội tập trung triển khai và vận động hội viên, nông dân tích cực đăng ký thi đua để đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp. Đồng thời, chỉ đạo việc duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình, điển hình từ phong trào.
 

Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương và ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách thức liên kết, hợp tác mới nhằm nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ tay nghề cho bà con nông dân. Qua đó, bình quân mỗi năm phong trào đã thu hút hàng trăm nghìn lượt hộ hội viên, nông dân đăng ký tham gia.

 
Phong trào đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu. Nhiều hội viên, nông dân nhờ biết tận dụng và khai thác được tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai tại địa phương đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn, đầu tư sản xuất, chăn nuôi mang lại thu nhập cao.

 
Sáu tháng đầu năm 2019, các cấp Hội đã tổ chức phát động, tuyên truyền và vận động trên 180 nghìn hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội cũng tiến hành giải ngân hơn 276 tỷ đồng cho 13.863 hộ vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức 391 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt với trên 46 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan học tập các mô hình điểm; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đầu bờ để nhân rộng những cách làm hay…

 
Với sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động của các cấp Hội cùng những nỗ lực của hội viên, nông dân, thông qua phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn. Tại nhiều địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều các vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng công nghệ cao. Các mô hình đã giúp phát huy thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề; thúc đẩy nền kinh tế nông thôn chuyển sang theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả.

 
Tại một số huyện như: Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột... đã tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế và sức cạnh tranh mạnh trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững; cánh đồng mẫu lớn; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi bò vỗ béo...

 
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ nhờ nỗ lực vươn lên đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, khá giả.

 
Một điển hình sản xuất giỏi tại huyện Krông Búk có gia đình anh Hoàng Văn Đoàn, ở thôn Kty 4, xã Cư Kbô. Trước đây, với diện tích 2 ha trồng cây cà phê, anh vẫn duy trì việc sản xuất theo kiểu kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và sản lượng rất thấp.

 
Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh còn mạnh dạn vay vốn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trồng cà phê. Sự chuyển biến đột phá của gia đình anh thực sự đến kể từ khi Công ty TNHH Đắk Man (có địa chỉ tại phường Tân Hòa- thành phố Buôn Ma Thuột) ký kết hợp đồng với Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Cư Kbô xây dựng mô hình nhằm khuyến khích bà con sản xuất, tiêu thụ cà phê sạch bền vững đạt chứng nhận Thương mại Công Bằng (FLO-CERT). Anh Đoàn đã đăng ký tham gia.

 
Để sản xuất ra sản phẩm cà phê sạch, anh phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu như: Trồng cây che mát cho cà phê; hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; chỉ thu hoạch cà phê khi quả chín…

 
Từ khi tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT, năng suất cây trồng của gia đình anh luôn giữ mức ổn định từ 3,5- 4 tấn nhân/ha/năm. Cùng với đó, sản phẩm đầu ra lại được đơn vị thu mua hỗ trợ với mức giá cao hơn thị trường từ 9.000- 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt khoảng trên 200 triệu đồng/năm, tăng hơn 40% so với trước.

 
Gia đình ông Y Siêng Ayun ở  buôn Jung 2, xã Ea Yông- huyện Krông Pác cũng là một tấm gương tiêu biểu thoát nghèo bền vững tại địa phương. Hiện nay, bình quân tổng thu nhập từ mô hình tổng hợp của gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

 
Tại huyện Cư Kuin cũng đang xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Điển hình có gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Nam Hòa- xã Đray Bhăng. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm.
 

Hiện nay, ông đã xây dựng được hệ thống trang trại khép kín rộng gần 2.000 m2 chăn nuôi hơn 500 con lợn, trong đó, có khoảng 200 con lợn nái. Ước tính bình quân mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường 4.000 con lợn giống và khoảng 200 tấn lợn thịt. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân chuồng từ quá trình chăn nuôi đã được ủ hoai mục, ông sử dụng bón cho hơn 5 ha đất rẫy trồng hồ tiêu.

 
Hiện đa số bà con nông dân trên địa bàn xã Ea Pil- huyện M’Đrắk đều đã biết cách chủ động và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập cao.

 
Những năm gần đây, nhận thấy mô hình trồng nhãn tại địa phương mang lại hiệu quả cao, ông Võ Văn Thắng ở thôn 10 quyết định chuyển đổi toàn bộ 3 ha đất canh tác của gia đình sang trồng giống nhãn lồng. Nhờ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật mới trên cây trồng, đến nay, bình quân một ha ông trồng từ 500- 600 gốc nhãn, năng suất đạt từ 25- 30 kg/cây. Với mức giá bán trên thị trường dao động khoảng từ 25.000- 30.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.

 
Cùng ở thôn 10, gia đình ông Phan Văn Tân cũng là một nông hộ giàu lên nhờ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp gồm nhãn và vải thiều. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu kiến thức qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội tổ chức, ông đã nắm được đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu của vùng; đồng thời, biết cách xử lý kỹ thuật để giúp cây nhãn cho quả trái vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông luôn thuận lợi, khi đem bán ra thị trường thường duy trì được mức giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 
Hiện nay, với 17 ha diện tích canh tác cây ăn quả; trong đó có 9 ha nhãn và 8 ha vải thiều đang cho thu hoạch, ước tính mỗi năm đang mang về nguồn thu nhập tiền tỷ cho gia đình ông Tân. Ngoài ra, mô hình còn giúp tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

 
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác, liên kết với các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, doanh nghiệp giúp hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hội cũng sẽ tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác để dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với thương hiệu sản phẩm…


 
Hồng Diệp/ Hội nông dân