Đắk Lắk: Kỹ sư bỏ phố về quê chế tạo máy nông nghiệp
- Thứ năm - 27/07/2017 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giữa thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), có xưởng cơ khí nhỏ, ngày ngày rộn ràng tiếng máy hàn, cắt, búa gõ… Một thanh niên mải mê cùng tốp thợ sản xuất các sản phẩm gia dụng, máy công cụ… Đó là anh Trần Văn Hảo (27 tuổi), người được dân trong vùng biết đến với việc chế tạo thành công chiếc máy đa năng trồng nghệ, gừng, khoai tây…, được nhiều nông dân ưa chuộng.
Năm 2012, tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chuyên ngành kỹ thuật ô tô, anh Hảo trải qua công việc kỹ thuật viên cho một số hãng ô tô lớn với mức lương khá cao. Một lần, vì thiếu nhân công, bố anh gọi con về phụ giúp trồng 4 ha nghệ của gia đình. Về nhà, nhận thấy nhiều nông dân trong vùng loay hoay với việc trồng nghệ thủ công, năng suất thấp, chi phí thuê lao động lại cao, anh Hảo suy nghĩ rất lung. Cuối cùng, anh quyết định bỏ việc ở TP.HCM để gắn bó lâu dài với xưởng cơ khí của người bố, quyết làm ra chiếc máy trồng nghệ năng suất cao, hỗ trợ nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất.
Với kiến thức cơ bản về kỹ thuật máy móc, anh Hảo không khó để tiếp cận, nắm bắt tài liệu về cấu tạo, phương thức hoạt động của các loại máy trồng cây bằng củ của Mỹ, Ấn Độ… Cùng với tay nghề cơ khí “gia truyền”, anh tự nghiên cứu, chế tạo các bộ phận, chi tiết máy trồng nghệ có kích cỡ phù hợp với những thửa đất quy mô nhỏ vốn phổ biến của nông hộ. Chiếc máy trồng nghệ đầu tiên do anh Hảo chế tạo có 4 bộ phận chính gồm hộc chứa giống, hộc chứa phân, lưỡi cày và lưỡi lấp; ngoài ra có thêm bộ phận nhả giống với khoảng cách 30 cm. Nhờ đó, máy vừa xuống giống nghệ, vừa làm luống, bỏ phân, lấp đất; nghệ được trồng theo quy chuẩn khoảng cách đều nên dễ làm cỏ, bón phân, năng suất lại cao hơn so với trồng bằng tay.
Anh Hảo cho biết chỉ cần 3 người sử dụng máy trồng nghệ là có thể xuống giống trồng từ 1 – 1,5 ha/ngày, so với trước đây cần đến 20 nhân công cho cùng diện tích; tiết kiệm chi phí hơn 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra, chỉ cần thay đổi một số bộ phận, chiếc máy cũng có thể bón phân, vun gốc khi cây nghệ lên cao 30 – 40 cm và trồng các loại cây trồng khác như gừng, khoai tây, khoai môn…
Sau khi đưa hình ảnh hiệu quả sử dụng máy trồng nghệ lên mạng xã hội, lập tức anh Hảo nhận nhiều phản hồi tích cực về sản phẩm của mình. Đến nay, một số doanh nghiệp và nông dân ở Đắk Lắk, Bình Phước đã đặt mua 6 chiếc máy trồng nghệ do anh Hảo sản xuất. Không dừng ở đó, anh Hảo còn sáng tạo chuyển đổi máy trồng nghệ thành máy thu hoạch nghệ có công suất 1 ha/ngày với 30 nhân công thu lượm củ nghệ và hiện tiếp tục cải tiến để giảm còn 20 người cùng máy thu hoạch trên cùng diện tích.
“Phương châm của tôi là làm sao tạo ra những chiếc máy nông nghiệp có thể phù hợp với mọi địa hình đất canh tác, dễ sử dụng, giá lại rẻ, thay thế được nhiều nhân công để nông dân giảm giá thành sản phẩm trồng trọt của mình”, anh Hảo nói. Anh cũng cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy nghiền, máy vắt, tách tinh dầu, phục vụ sản xuất tinh bột nghệ và làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm của mình.