Đậm đặc thông tin nông nghiệp.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng hiện nay NNVN là tờ báo đứng đầu trong thông tin về nông nghiệp, nông thôn và nông dân..
PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:
Sáng nào tôi cũng lướt qua nhiều tờ báo, trong đó luôn có NNVN để cập nhật những thông tin mới nhất về nông nghiệp được đăng tải. Theo tôi, hiện nay NNVN là tờ báo đứng đầu trong thông tin về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Truyền thông về nông nghiệp trong thời gian qua đã cập nhật được nhiều thông tin quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp đánh giá được tình hình chung. Đặc biệt là những vấn đề vừa mới xảy ra mà cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp nắm thông tin hay chưa tiếp cận được. Báo chí cũng đã luôn bám sát những chủ trương lớn của nhà nước đối với nông nghiệp. Chẳng hạn gần đây, khi vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đặt ra, trên báo chí nói chung, NNVN nói riêng, đã đăng tải nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực. Báo chí cũng là kênh quan trọng để Bộ NN-PTNT và các cơ quan thuộc Bộ thăm dò phản ứng của chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp các cấp, DN và nông dân đối với một chính sách nào đó liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sắp được ban hành, để có những rà soát, điều chỉnh kịp thời cho hợp lý hơn. Tuy nhiên, khi viết về nông nghiệp, nhiều phóng viên vẫn còn thiếu kiến thức về ngành nông nghiệp nước ta. Chẳng hạn, viết về chuỗi giá trị nông sản, nhiều phóng viên vẫn chưa hiểu rõ thế nào là chuỗi giá trị nông sản, chưa nắm được vai trò của từng bộ, ngành trong chuỗi giá trị này. Bởi thế, điều dễ nhận thấy trong nhiều bài báo là quy hết trách nhiệm cho Bộ NN-PTNT, trong khi có những khâu là do Bộ, ngành khác quản lý. Hay có những hiện tượng không mang tính đại diện cho một ngành hàng, một vùng SX nào đó, nhưng có những phóng viên lại tập trung khai thác, phản ánh, khiến cho bạn đọc hiểu không đúng về những gì đang diễn ra với ngành hàng, vùng SX ấy. Bởi vậy, theo tôi, khi đã được phân công viết về nông nghiệp, các nhà báo cần bỏ thời gian tìm hiểu, trang bị nhiều thiết kiến thức hơn về ngành. Theo tôi, trong thời gian tới, báo chí cần tiếp tục đăng tải những thông tin, ý kiến đóng góp cho tái cơ cấu nông nghiệp nước ta. Báo chí cũng cần đi sâu vào những vấn đề mà hiện nay còn chưa làm tốt như chuỗi giá trị nông sản, liên kết trong SX, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản... Mảng chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng cần được báo chí quan tâm phân tích, phản ánh nhiều hơn để Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nắm được những chính sách nào đã có hiệu quả tốt, đã đến được với dân, những chính sách nào rất có ý nghĩa nhưng nông dân vẫn chưa tiếp cận được, những chính sách nào còn chưa phù hợp với thực tế SX nông nghiệp. Qua đó sẽ có những điều chỉnh kịp thời. Th.S Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu, Cty CP Sữa VN: Truyền thông trong nông nghiệp ngày càng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến hơn 70% lực lượng SX tại VN, đó chính là người nông dân. Ngành Nông nghiệp VN vốn rất mỏng manh nên cũng rất dễ bị tác động bởi một thông tin nào đó. Một thông tin tiêu cực hoàn toàn có thể nhanh chóng phá hủy một ngành SX, gây thiệt hại kinh tế nặng nề và ảnh hưởng đến hàng triệu người nông dân. Ngược lại, một thông tin định hướng đúng sẽ đem đến những lợi ích thiết thực to lớn. Vì vậy, vai trò của những người viết báo trong ngành nông nghiệp không chỉ phải giỏi về nghiệp vụ viết báo mà cần phải có tầm nhìn nông nghiệp, sự thấu hiểu người nông dân, kiến thức kinh tế vững vàng, đặc biệt là về kinh tế hội nhập và có cái tâm, trách nhiệm của người làm báo. Truyền thông cũng cần tích cực góp phần thúc đẩy tính cạnh tranh của người nông dân, ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang ngày càng trở nên cấp thiết, khi VN đã và sắp tham gia vào các hiệp định thương mại. Theo tôi, đó chính là sự giúp đỡ, bảo vệ người nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà một cách thiết thực nhất của truyền thông VN. 
 
 NongNghiep.vn