Dẫn đầu thành Nam

Xét về tỷ lệ trang trại, gia trại có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học, Ý Yên là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh Nam Định với khoảng 80%.
Dung tích nhiều hầm biogas chưa phù hợp với quy mô chăn nuôi (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Trần Bình Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Ý Yên cho rằng, công suất vận hành của nhiều công trình biogas chưa đảm bảo xử lý triệt để nguồn chất thải chăn nuôi.

Mặc dù có diện tích rộng gấp 3 lần huyện Mỹ Lộc, nhưng hoạt động chăn nuôi tại huyện Ý Yên lại không mấy sôi động. Theo thống kê, toàn huyện mới chỉ có 4 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận và 600 gia trại (thấp hơn về lượng so với huyện Mỹ Lộc). Hầu hết các gia trại đều nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Với 80% số hộ có công trình khí sinh học, Ý Yên nằm trong tốp đầu của tỉnh Nam Định về đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2008 - 2011, toàn huyện đã xây dựng được khoảng 200 hầm biogas.

Tuy vậy, do cả lý do khách quan và chủ quan, có nhiều thời điểm, những hầm khí biogas luôn hoạt động trong tình trạng quá tải.

Ở thời điểm giá thịt lợn tăng cao, nông dân ồ ạt tăng đàn. Có gia đình nâng từ quy mô 100 con lên 200 con, trong khi đó dung tích của hầm chứa chỉ đảm bảo xử lý hiệu quả lượng phân của 100 con.

Số còn lại là phân thừa, đáng lẽ phải hót ra và xử lý bằng các biện pháp khác như ủ, hoặc đào hố dự trữ phân. Tuy nhiên, chỉ có những trang trại lớn mới có đủ diện tích để làm hố, số còn lại thường dùng nước rửa trôi toàn bộ phân tươi xuống hầm.

Do thời gian phân hủy ngắn, phân chưa kịp sinh khí đã bị đẩy ra ngoài để nhường chỗ cho lần nạp nguyên liệu khác, vì thế bã thải bị đẩy ra ngoài môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm ở mức độ cao.

“Nếu thị trường ổn định, người dân sẽ căn cứ vào quy mô chăn nuôi dài hạn để đầu tư xây hầm khí biogas có dung tích phù hợp. Nhưng giá cả thực phẩm nay lên mai xuống, bản thân họ cũng rất bị động trong vấn đề này”, ông Định chia sẻ.

Những địa phương như Yên Tân, Yên Lợi, Yên Phú, Yên Phong, tỷ lệ hộ chăn nuôi có hầm khí biogas rất cao, nhưng một số vùng trồng hoa màu như xã Yên Nhân và Yên Cường, tìm được một gia đình có công trình khí sinh học là rất hiếm.

Lý do vì nông dân muốn tận dụng lượng phân thải gia súc, gia cầm để ủ và bón cho cây trồng ngoài đồng ruộng.

“Nếu nhà báo ra những cánh đồng màu ở Yên Cường, Yên Nhân sẽ thấy đồng ruộng chất đống những ụ phân chuồng. Hầu hết các hộ không sử dụng công nghệ lên men vi sinh mà chỉ trộn chất độn như rơm rạ, vôi và lá cây”, ông Định nói.

Hiện tại UBND huyện Ý Yên đã hoàn thành quy hoạch SX nông nghiệp đến năm 2020, gắn với quy hoạch xây dựng NTM của 32 xã và 1 thị trấn. Trong đó, địa phương nào cũng phải có một khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Song song với đó, địa phương cũng đang triển khai QĐ số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, tạo điều kiện cho người dân đầu tư áp dụng công nghệ xử lý chất thải gia súc, gia cầm, từ đó giải quyết ô nhiễm môi trường.

MINH PHÚC
Theo: nongnghiep.vn