Đằng sau sự ngọt ngào của nhãn muộn Đại Thành
- Thứ năm - 30/08/2018 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Qr code cho nhãn chín muộn
Mới đây một Khuê Văn Các bằng những quả nhãn chín muộn Đại Thành được dựng ngay tại sân UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) để phục vụ cho hội nghị "Hợp tác các tỉnh phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn TP Hà Nội năm 2018".
Khuê Văn Các được kết bằng quả nhãn muộn Đại Thành |
Tại đó, Ban tổ chức ngoài việc giới thiệu tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ thông qua mã vạch Qr code đã trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho loại đặc sản nức tiếng này.
Ở miền Bắc, nhãn Sơn La chín vào đầu vụ, nhãn Hưng Yên chín vào giữa vụ còn nhãn muộn Đại Thành chín vào cuối vụ như khép kín lại một vòng tròn sản xuất một cách hoàn hảo. Theo số liệu niên giám thống kê năm 2017, diện tích cây ăn quả của Hà Nội là 17.776ha, trong đó cây nhãn chiếm ở vị trí thứ ba về diện dích đạt trên 1.722ha với 600ha nhãn chín muộn. Hàng năm, sản lượng nhãn chín muộn đạt khoảng 10.000 - 11.000 tấn, cho thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 700 - 800 triệu/ha/năm, cao hơn gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa.
Nhãn chín muộn tập trung trồng chủ yếu tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện khác trên địa bàn. Theo quy hoạch đến năm 2020, vùng sản xuất nhãn chín muộn được xây dựng và mở rộng tại các vùng ven sông Đáy gồm: xã Đại Thành (Quốc Oai) 200ha; xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương (Hoài Đức) 250ha và vùng Lam Điền, Thụy Hương (Chương Mỹ) 100ha.. Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Nội đã chứng nhận được 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng, qua đó cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống cho các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc…
Để đẩy mạnh việc phát triển một loại đặc sản quý hiếm, năm 2016, các cơ quan chức năng đã cho phép xã Đại Thành chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp từ hai lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong đó nhãn chín muộn là chủ lực với 115/160ha cây ăn quả.
Quả muốn ngon, đầu tiên là phải từ khâu chọn tạo giống. Ở Đại Thành có cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi rồi mà mỗi vụ vẫn ra quả đều với đặc điểm vượt trội là chín muộn hơn các loại nhãn khác từ 30 - 40 ngày, tức giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 và chất lượng rất ngon, ngọt.
Từ cây nhãn tổ quý hiếm đó người ta đã gây giống, nhân rộng ra thành cả một vùng nhãn muộn khác biệt với tất cả các giống nhãn muộn ở miền Bắc, kể cả trên quê hương của nhãn là tỉnh Hưng Yên. Ngay từ năm 2013, giống đặc sản này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai”.
Chị Nguyễn Thị Sắc, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho hay 2018 là năm được mùa nhất từ trước đến nay của nhãn chín muộn Đại Thành. Hiện tại thời vụ của loại nhãn mới chỉ là bắt đầu. Vụ này do nơi nơi đều được mùa nên giá nhãn chín muộn có thấp hơn, tại nhà vườn giá bán đang khoảng 20.000 - 25.000đ/kg nhưng hy vọng cuối mùa sẽ vào khoảng 35.000 - 40.000đ/kg bởi lúc đó chỉ còn duy nhất nhãn muộn Đại Thành độc chiếm thị trường. Cũng bắt đầu từ 2018 nhãn Đại Thành đã được dán nhãn truy xuất nguồn gốc Qr code qua HTX nông sản để đưa vào hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng an toàn.
Đại Thành có 2 giống nhãn chín muộn nổi tiếng là HTM1 và HTM2, cả hai đều có độ ngọt Brix từ 21% trở lên trong đó HTM1 quả méo ngọt hơn HTM2 quả tròn. Điều đặc biệt của hai loại nhãn muộn này là do vỏ quả khá dày nên để treo được trên cây cả tháng mà không chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết mưa nắng, không hay bị nứt quả như các loại nhãn khác.
Sạch đến không ngờ
Thấy khách đến hội nghị, ăn thử nhãn quê mình, ai nấy đều gật gù khen thơm, khen ngon, khen ngọt, anh Nguyễn Văn Nga, nông dân trồng nhãn ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành không giấu nổi niềm sung sướng, tự hào. Anh bảo đằng sau chất lượng ấy là sự kỳ công trong cả quá trình chăm sóc: “Điều đầu tiên của việc sản xuất là phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ được môi trường sống xung quanh. Chúng tôi chỉ phòng trừ sâu bệnh lúc quả nhãn vẫn còn rất nhỏ. Cách thời điểm thu hái hơn 1 tháng thì không có phun bất cứ một loại hóa chất BVTV nào”.
Giới thiệu nhãn tại hội nghị |
Cũng theo anh Nga chia sẻ, dưới các gốc nhãn người Đại Thành đều làm cỏ bằng tay chứ không dùng thuốc trừ cỏ. Lúc đầu năm khi nhãn mới có hoa một số hộ vẫn tận dụng thả các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng dưới gốc cây nhưng giữa năm khi quả đã hình thành là thôi để đảm bảo không có vi sinh vật gây bệnh lây lan vào quả.
Về cách chăm sóc, người dân tránh bón các loại phân tươi hay các hóa chất có hại. Các giai đoạn chăm sóc thường dồn vào lúc quả chưa hình thành hoặc hình thành rồi nhưng chưa có thịt quả. Cụ thể cắt tỉa xong cành, người dân đào vòng theo tán lá, đào xong 1 tuần mới rắc phân ka li cộng thêm NPK Lâm Thao, lân Lâm Thao mỗi gốc khoảng 1 - 2kg (tùy vào độ tuổi của cây) rồi lấp đất lại. Nếu trời mưa thì thôi còn không sẽ phải tưới nước vào khu vực bón phân để cây dễ hấp thu dưỡng chất hơn.
Cây khỏe, cây tơ sẽ cho quả to còn cây già, cây cỗi sẽ cho quả nhỏ nhưng đều ngon, ngọt. Ở Đại Thành, không có tác động của bất hóa chất nào để làm cho mã quả nhãn chín muộn đẹp lên, hoàn toàn là màu tự nhiên, phụ thuộc vào thời tiết. Nếu mưa nhiều hay nắng nhiều mã quả sẽ không thể đẹp bằng lúc thời tiết thuận hòa. Bởi vậy tùy theo vụ mà nhãn có quả màu xấu hay quả màu đẹp chứ không đồng đều như một số loại nhãn khác.
Tuy nhiên, cũng theo anh Nga, trên thị trường có nhiều loại nhãn muộn nhưng chất đất ở Đại Thành cho ra quả nhãn có độ ngọt hơn hẳn, màu sắc quả thường sáng chứ không ngả màu xám đen, kích cỡ quả vừa phải chứ không to hẳn.
Để đáp ứng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của VietGAP, ở mỗi quy trình của sản xuất, từ lúc ra hoa, đậu quả đến khi chín những nông dân như anh Nga đều phải ghi nhật ký, trong đó thể hiện rõ cách chăm gì, bón gì, phun thuốc phòng trừ ra sao… Lúc vào vụ, nhãn muộn Đại Thành thường chỉ được hái xuống theo đơn đặt hàng và vận chuyển luôn trong ngày đến nơi tiêu thụ để ăn tươi chứ không dùng bất cứ phương thức bảo quản nào khác. |