Đào tạo nghề cho nông dân

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm khi 67% dân số sống và làm việc tại nông thôn. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Khúc Thị Duyền cho rằng, xây dựng nông thôn mới thì sản xuất của nông dân phải phát triển, lúc đó chúng ta mới tạo ra được nguồn lực để đầu tư lại cho 19 tiêu chí. Vấn đề quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

PV: Theo bà, để đạt được những mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội phê duyệt, chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực nào bởi những mục tiêu đề ra khá là cao, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

Bà Khúc Thị Duyền: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội phê duyệt chúng ta phải phấn đấu 50% số xã trong cả nước đạt các tiêu chí về NTM. Đặc biệt các xã phải phấn đấu đạt được tối thiểu 15 tiêu chí. Tôi thấy rằng để đạt được những tiêu chí này cũng rất là khó, nhưng đây là mục tiêu chúng ta phải phấn đấu thực hiện vì đây là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Trong xây dựng NTM, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong nhiều năm qua tôi thấy thực hiện rất hiệu quả và nhân dân rất đồng tình ủng hộ, nhưng để đạt được mục tiêu tôi cho rằng cần quan tâm đến nguồn lực. Nguồn lực ở đây là nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực các doanh nghiệp, và nhân dân vào cuộc thì mới thực hiện được các tiêu chí. Để đầu tư xây dựng NTM  đạt được các tiêu chí cũng cần quan tâm đến phát triển sản xuất.

Ở nông thôn xây dựng các cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung hàng hóa và quan tâm đến đầu tư của các doanh nghiệp. Cho nên Nhà nước cần có những chính sách để cho người dân yên tâm tích tụ ruộng đất, rồi cần chính sách của Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho nông dân, hiện nay doanh nghiệp đã có vào cuộc với bà con nông dân song không nhiều. Các doanh nghiệp cần quan tâm cho đầu tư sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch của nông dân, tiêu thụ hàng hóa.

Nếu như chúng ta xây dựng NTM thì sản xuất của nông dân phải phát triển lúc đó chúng ta mới tạo ra được nguồn lực để đầu tư lại cho 19 tiêu chí. Ngoài ra cũng cần chuyển dịch cơ cấu trong lao động, có các cơ chế chính sách để các doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.

Ví dụ chuyển dần các doanh nghiệp ở thành phố đô thị lớn về thu hút lao động ở nông thôn, như vậy rất thuận tiện cho người lao động vừa ở gần gia đình nhưng vừa phát triển công nghiệp. Phải quan tâm để tránh tình trạng NTM thì phát triển nhưng không có nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp. 

Muốn phát triển thì phải xuất phát từ nguồn nhân lực, vì con người là nhân tố quyết định. Song thời gian qua chúng ta chưa chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn mà chủ yếu là nhân lực tại các thành phố lớn, khu công nghiệp?

- Trước kia chúng ta thường quan tâm tới đào tạo lao động thủ công trong lĩnh vực nông nghiệp để cho làm sao lao động chuyển dịch vào trong các nhà máy xí nghiệp cơ quan đơn vị, nhưng chúng ta chưa quan tâm đến đào tạo nghề cho người nông dân. Ví dụ như: nghề trồng lúa, nuôi trồng các cây, con làm sao để có giá trị cao, thì chúng ta chưa quan tâm nhiều. Đã có sự quan tâm đào tạo nhưng chúng ta chưa quan tâm nghề cho người nông dân.

Nghề ở đây chính là nghề trong sản xuất nông nghiệp, nhưng người nông dân phải có kiến thức, chuyên môn theo tác phong công nghiệp thì ta mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay tỷ lệ nông dân qua đào tạo rất là ít. Vậy chúng ta cần cơ chế chính sách đặc thù nào, bởi nếu không khó đạt được như mục tiêu đặt ra, thưa bà?

- Trong mục tiêu của Chương trình quốc gia xây dựng NTM có tiêu chí từ nay đến năm 2020 phải đào tạo được 70% lao động ở nông thôn có nghề. Để đạt được tiêu chí này là rất khó nhưng chúng ta phải cố gắng đạt, bởi nếu không chúng ta không có được nguồn lao động chất lượng cao. Lâu nay nông dân có trình độ lao động sản xuất còn rất thấp, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp cũng rất thấp cho nên năng suất lao động đạt hiệu quả không cao, làm ăn còn manh mún.

Để đạt được nguồn lao động chất lượng tôi đề nghị trong Chương trình mục tiêu quốc gia lần này Chính phủ phải phân rõ nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng cơ sở là bao nhiêu? Đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực là bao nhiêu? Hay y tế, giáo dục là bao nhiêu? Đầu tư cho phát triển sản xuất là bao nhiêu?

Chúng ta phải quan tâm vì muốn sản xuất ra nhiều sản phẩm thì phải có nguồn nhân lực, muốn có nhân lực thì phải đào tạo để nâng cao trình độ cho người nông dân.

Để đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, theo bà vai trò của các cấp các ngành như thế nào, đặc biệt là tại địa phương?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vai trò của các cấp các ngành rất quan trọng vì đây là nơi sự phối hợp của các cấp các ngành để triển khai tổ chức thực hiện, và địa phương phải vào cuộc. Vì cuối cùng địa phương là người triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng cũng như thực hiện các nghị quyết, chính sách Chính phủ đề ra để triển khai tới người dân.

Thậm chí ngay ngân sách của Nhà nước tôi muốn nói là ngân sách của 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã/phường phải vào cuộc để đầu tư, đặc biệt phải biết liên kết phối hợp giữa các cấp các ngành, huy động xã hội hóa, tự nguyện của dân song cũng phải tổ chức triển khai vận động.

Thực tế vừa qua nhiều cá nhân tập thể cũng có nhiều sự đóng góp lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu biết khơi dậy sự tương thân tương ái tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết thì chúng ta sẽ thành công. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Đại Đoàn kết