Đào tạo nghề để... giữ làng nghề

Đào tạo nghề để... giữ làng nghề
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% tổng số đơn vị hành chính trong toàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang dần mai một thành làng có nghề do hoạt động truyền nghề, dạy nghề cho lao động địa phương không được thực hiện.

Mai một làng nghề

Gia đình ông Nguyễn Viết Chiến (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) là một trong số hơn 200 hộ trồng đào ở làng đào truyền thống Phú Thượng. Trồng đào là nghề truyền thống, mang lại hiệu quả lợi nhuận kinh tế khá cao. Mỗi vụ đào, ông Chiến thu về từ 400-700 triệu đồng. Thế nhưng khi khuyên các con theo nghiệp trồng đào của bố thì chẳng ai hào hứng. Mặc dù là người trồng đào có tiếng khắp làng Phú Thượng, mang trong mình bao bí kíp, kinh nghiệm trồng đào thế, đào cành nhưng ông Chiến cũng đành ngậm ngùi giữ cho riêng mình.

 dao tao nghe de... giu lang nghe hinh anh 1

   Làng nghề tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, Hà Nội đang thiếu lao động. Ảnh: Minh Nguyệt 

Có tới 90,4% số làng nghề thiếu lao động, chỉ 9% số làng nghề đủ lao động và 0,6% số làng nghề thừa lao động. Nguyên nhân là có nhiều thanh niên hiện không thích học nghề”. 

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng
Vụ Dạy nghề thường xuyên
(Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH)

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ cơ sở sản xuất tăm hương ở thôn Quảng Nguyên (xã Quảng Phú Cầu, Hà Nội) cho biết, mặc dù công việc cũng cho thu nhập khá nhưng năm nào các cơ sở sản xuất ở xã cũng thiếu lao động. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi toàn phải tuyển lao động ở những xã khác, thậm chí là các tỉnh khác. Lao động làm thời vụ, thích thì làm không thích thì nghỉ. Có lần nhận lao động về đào tạo mãi, làm chưa nổi 2-3 tháng lại nghỉ việc” – ông Tuấn nói.

Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: Sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tới 50% cơ cấu kinh tế của xã, trong đó 65% là do sản xuất tăm hương, thu hút hơn 600 lao động. Mỗi năm, nghề tăm hương mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng. Thu nhập trung bình của mỗi lao động ở làng nghề đạt từ 3,5 -5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay không còn nhiều người muốn gắn bó với nghề, nhất là thế hệ trẻ.

Nâng cao năng lực cho chủ cơ sở sản xuất

 

Trước thực trạng làng nghề bị đe dọa, khó mà giữ nghề, mới đây UBND TP.Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề TP.Hà Nội năm 2017. Kế hoạch đưa ra mục tiêu đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề cho khoảng 30.000 lao động (bao gồm cả nguồn khuyến công, khuyến nông và đào tạo nghề cho lao động nông thôn). Đồng thời, thực hiện tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho khoảng 100 chủ doanh nghiệp là giám đốc, phó giám đốc và chủ các cơ sở sản xuất làng nghề.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội phụ trách về công tác đào tạo nghề thừa nhận những khó khăn trong công tác dạy nghề cũng như đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề truyền thống của Hà Nội. Bà Nhàn cho rằng kế hoạch này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề của địa phương thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể; tạo vị thế cho các sản phẩm làng nghề, nâng sức hội nhập, tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Minh Nguyệt / Dân Việt