Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp 4.0

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp 4.0
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời kỳ 4.0”.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời kỳ 4.0”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Việc ứng dụng được triển khai mạnh mẽ tại các tỉnh Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An…, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: rau, hoa, tôm, bò sữa, lợn, gà… 

Từ thành công lớn trong thực tiễn của địa phương, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, các công nghệ tiên tiến trên thế giới được tiếp cận và áp dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả, tạo đột phá để chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện. Nhiều sản phẩm của Lâm Đồng đã đạt tiêu chuẩn giống như một số nước tiên tiến, xây dựng được thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng vào giải pháp tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp cùng sự đóng góp của công nghệ 4.0 trong việc giải phóng giá trị và nâng cao năng suất ngành nông nghiệp. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại. Từng bước đưa các công nghệ mới đặc thù trong nông nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới… vào các chương trình đào tạo dài hạn; đào tạo theo hướng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; nông nghiệp thông minh… 

Đồng thời quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có 3 nhóm nhân lực cần quan tâm, đó là các kỹ sư trong các lĩnh vực gắn với công nghệ; các nhà quản lý; các chuyên gia và nhà khoa học. 

Từ 3 nhóm đối tượng này, cần có chương trình đào tạo phù hợp bởi đây là điểm yếu của các cơ sở đào tạo. Khuyến kích tìm chọn, nhập những chương trình đào tạo công nghệ cao phù hợp, có thể sửa đổi để chương trình đào tạo và công nghệ khớp với nhau, tránh tình trạng công nghệ nhập về một đằng, chương trình đào tạo một nẻo. Việc nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo công nghệ cao phải gắn với người sử dụng. 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi các trường, Học viện mở chương trình đào tạo không nhất thiết phải có bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ mà vấn đề cốt lõi là chương trình đó có được thị trường tiếp nhận hay không. Từ nhu cầu thị trường xác định định hướng đào tạo là rất quan trọng, thậm chí tiến tới chỉ cần một nhà khoa học có thể xây dựng được một chương trình đào tạo tốt gắn với thực tiễn phát triển. 

“Dù chương trình gì đối với nông nghiệp công nghệ cao thì yêu cầu về ngoại ngữ và công nghệ thông tin rất quan trọng. Ngoại ngữ phải gắn với công nghệ. Phương thức đào tạo phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn… để sau này có sự chuyển giao tốt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh./.

>>>Lào Cai chuyển hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao