“Đất chết” Gò Nổi hồi sinh, người dân no đủ
- Thứ tư - 04/12/2019 01:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng Gò Nổi gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang thuộc thị xã Điện Bàn, trong đó xã Điện Phong có thể nói là vùng đất khó khăn nhất của Gò Nổi. Ngoài những tàn phá do chiến tranh để lại, Điện Phong còn là xã có vị trí địa lý vô cùng phức tạp do bị sông ngòi chia cắt, đất ít, dân đông, đất đai sản xuất phân tán, nhỏ lẻ ở nhiều cánh đồng, gò bãi, cách trở sông đò.
Ông Lê Lai - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Điện Phong cho biết, xã Điện Phong có 8 thôn, trong đó thôn Tây An có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất. 176 hộ dân Tây An nằm cách xa trung tâm xã, tách biệt với các thôn khác một con sông. Trước đây, đời sống sản xuất của bà con phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Nhưng đến nay, mạng lưới thủy lợi hóa đất màu đã phủ rộng trên 95% diện tích, nhờ đó bà con nhân dân sản xuất thuận lợi, thu nhập tăng dần.
Người dân Gò Nổi làm thủ tục vay vốn tại Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi. Ảnh: Hậu Nghĩa
Nói về sự phát triển của Gò Nổi hôm nay, ông Lai cho biết thêm, nếu như 40 năm trước, mảnh đất này được biết đến là nơi hứng chịu hàng vạn tấn bom khiến nhà đổ, ruộng vườn tan hoang, thì ngày nay, nối tiếp truyền thống cách mạng, bà con luôn tự hào và càng đặt quyết tâm xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, đoàn kết thoát nghèo, đi lên bằng chính nội lực của mình.
Đặc biệt, Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi hoạt động ngày càng phát triển mạnh đã giải quyết kịp thời vốn vay cho nông dân sản xuất, kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân trên địa bàn 3 xã Gò Nổi.
Ông Đỗ Phú Thông - Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi cho biết, là một mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực tín dụng ngân hàng, thành lập từ năm 2009. Quỹ thực hiện với mục tiêu chủ yếu là tương trợ cộng đồng giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên, huy động vốn nhàn rỗi trong dân đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Từ nguồn vốn này, hàng trăm thành viên của 3 xã Gò Nổi đã có vốn để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đầu tư mua bán nông sản, xây mới, sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, đầu tư cho con cái học hành đầy đủ. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các hộ ông Nguyễn Đình Bình, Đỗ Thế Rô, Lê Tấn…
Ông Lê Tấn, 62 tuổi (ở thôn Phú Đông, xã Điện Quang) cho biết, trước đây, vợ chồng ông không có công ăn việc làm ổn định, ai thuê gì làm đó, thu nhập gia đình bấp bênh trong khi các con đang tuổi ăn, tuổi học, khiến vợ chồng ông phải xoay đủ cách, có lúc còn phải đi vay mượn. Năm 2010, được Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi cho vay 10 triệu đồng để chăn nuôi bò, kinh tế của gia đình ông cứ thế phát triển dần, hiện dư nợ của gia đình ông Tấn là 150 triệu đồng.
Đến nay, cơ ngơi của gia đình ông Tấn gồm đàn bò 20 con, đàn gà ta thả vườn, gia đình ông còn trồng thêm cây cảnh. Mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng/năm.
“Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn, chăn nuôi bò hiệu quả, từ đó có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học, vươn lên thoát nghèo. Giờ đây gia đình tôi khá giả hơn trước rất nhiều”- ông Tấn phấn khởi.
Cũng nhờ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã đầu tư phát triển mạnh đàn bò. Tính đến đầu tháng 10/2019, tổng đoàn bò của 3 xã vùng Gò Nổi ước đạt khoảng 8.000 con. Trong đó, xã Điện Quang có số lượng nhiều nhất với gần 4.300 con, đa phần là bò lai.
Còn ông Phan Thanh Cảnh, Trưởng thôn Đông Lãnh (xã Điện Trung) cũng tự hào cho biết, năm 1968, vùng đất Gò Nổi này từng bị rải bom B52 thí điểm trước khi rải bom ở miền Bắc, cho nên Gò Nổi là nơi bị tàn phá khốc liệt nhất. Vậy mà với tinh thần bám đất giữ làng, đồng bào ta đã gây dựng lại sự nghiệp trên chính quê hương mình.
Xã Điện Trung chọn nông nghiệp là hướng đi chính, năm 2014 giá trị sản xuất nông nghiệp của xã chỉ đạt 17,86 tỷ đồng, bà con chủ yếu trồng cây lúa, cây ngô, cây công nghiệp ngắn ngày,… Nhưng với sự cần cù chịu khó, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước với các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 11 thôn của xã Điện Trung đã đổi khác.
“Thôn Đông Lãnh của chúng tôi đã 5 năm liền đạt thôn văn hóa cấp huyện, những thành công trong hôm nay chính là nhờ vào sự đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân và bởi lòng tự hào là quê hương anh hùng. Phải phấn đấu làm sao cho xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng chính là mục tiêu của nhân dân thôn Đông Lãnh, cũng như người dân Gò Nổi” – ông Cảnh nói.
Ông Đỗ Phú Thông - Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi mới thành lập, Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi chỉ có 32 thành viên với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Thế nhưng nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay tổng số vốn của quỹ đã lên đến gần 70 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng, vốn huy động được hơn 66 tỷ đồng, dư nợ cho vay 40 tỷ đồng. Hàng năm có trên 500 lượt thành viên vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”
Hậu Nghĩa - Thiên Ngân/http://danviet.vn/
Xem bài viết gốc tại đây!