Đất và vốn - kỳ vọng lớn khi sửa đổi Nghị định 210
- Thứ năm - 07/09/2017 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bên lề Hội thảo Tham vấn cơ chế chính sách thu hút đầu tư và phát triển DN nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì ngày 5/9 vừa qua, NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) về những quan điểm xung quanh việc sửa đổi Nghị định 210.
PGS.TS Dương Văn Chín |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 210 cần phải thay đổi tư duy trong cơ chế hỗ trợ theo hướng tạo cơ chế, động lực cho sự phát triển của DN là chính. Ông quan điểm thế nào về vấn đề này?
Tôi chỉ xin đưa quan điểm đơn cử, cụ thể về hỗ trợ dành cho lĩnh vực lúa gạo. Từ hỗ trợ nên được định nghĩa cho rõ ràng, đó là Nhà nước trung ương dành ra một khoản ngân sách nhất định hàng năm để chi cho một số lãnh vực nhằm khuyến khích DN đầu tư về nông thôn để phát triển lúa gạo. Những tỉnh nào chưa tự túc được ngân sách thì các khoản đều được đưa vào kế hoạch của ngân sách trung ương.
Những hỗ trợ này phải minh bạch, rõ ràng, dứt khoát. Theo đó, nên loại bỏ khái niệm lồng ghép với các chương trình khác để dễ tổng kết, đánh giá và quy trách nhiệm một chương trình thành công hay thất bại cho một tổ chức hoặc cá nhân nhất định.
Rào cản về đất đai, khó khăn trong tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những nội dung rất quan trọng mà Dự thảo sửa đổi Nghị định 210 đang hướng tới. Ông có thể nêu quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, DN cần đất để lập nhà máy tại nông thôn thì nhà nước miễn 100% phí chuyển nhượng đất. DN chỉ phải trả 1 lần tiền mua đất cho nông dân. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cấp 1 lần, vĩnh viễn vô thời hạn cho nông dân để không phải tốn kém trong việc cấp sổ đỏ trở lại. Để hình thành thị trường đất nông nghiệp thực thụ, Việt Nam nên học tập Nhật Bản và Hàn Quốc, cần sớm phân cấp phân quyền cho cấp tỉnh lập ra Cơ quan quản lý và Môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến việc chuyển nhượng, buôn bán, tích lũy đất đai tại nông thôn.
Nếu DN có nhu cầu sở hữu đất đai ở nông thôn để xây dựng nhà máy hoặc tổ chức SX theo tiêu chuẩn của riêng mình thì Nhà nước nên cho vay tiền với lãi suất bằng 0% trong vòng 20 năm (Nhà nước lấy tiền ngân sách để chuyển trả phần lãi suất này cho ngân hàng thương mại) để DN thuê đất của các nông dân liền kề nhằm hình thành cánh đồng lớn đúng nghĩa.
Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể về SX lúa gạo: Tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Cty Gentraco hiện đang muốn thuê 100ha đất của nhiều nông dân liền kề để hình thành cánh đồng lớn. Các nông dân liền kề đã sẵn sàng cho DN thuê trong vòng 20 năm với tiền cho thuê đất mỗi năm là 30 triệu đồng/ha. Gentraco đồng ý trả tiền thuê hàng năm, nhưng nông dân lại muốn được nhận ngay tiền thuê trong vòng 20 năm, tức 600 triệu đồng cho 1ha để đầu tư SX vào loại hình khác. Nếu có 600 triệu đồng, nông dân có thể chuyển sang làm dịch vụ, trồng rau hoa, cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản, hoặc làm ngành nghề phi nông nghiệp, làm dịch vụ ở nông thôn, hoặc có thể đi mua lại 1ha đất gần đó cũng chỉ khoảng 600 triệu đồng. Trong trường hợp này, nông dân có ngay 1ha đất mới, nhưng chủ quyền miếng đất cũ cho DN thuê vẫn được giữ sau 20 năm.
Như vậy, muốn thu hút được Gentraco đầu tư vào SX lúa gạo hàng hóa, tỉnh An Giang sẽ cần khoảng 60 tỷ đồng để thuê 100ha đất và giao cho DN. Nhưng cái khó là tỉnh không có 60 tỷ đồng để thực hiện việc này. Trong trường hợp này, trung ương nên cho tỉnh An Giang vay 60 tỷ đồng với lãi suất bằng 0% thì sẽ hình thành được 100ha cánh đồng lớn liền canh do Gentraco quản lý. Hàng năm, tỉnh có thể thu từ Gentraco 3 tỷ đồng để trả lại cho trung ương. Mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và DN sẽ về nông thôn đầu tư SX ngay.
Theo PGS.TS Dương Văn Chín, chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện về đất đai có ý nghĩa lớn hơn là hỗ trợ đầu tư dự án bằng tiền ngân sách |
Miễn, giảm thuế cho DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là nội dung mà nhiều DN cho rằng cần phải sớm có chính sách cụ thể khi sửa đổi Nghị định 210 để “khoan sức” cho DN. Cụ thể đối với SX lúa gạo, ông kiến nghị thế nào?
Về gạo bán nội địa, nhà nước cần quyết định dứt khoát là có đánh thuế hay không? Nếu đánh thuế 5% VAT như hiện nay thì phải đánh thuế vào cả các tiệm tạp hóa bán gạo lẻ không bao bì nhãn mác. Như thế mới công bằng đối với các DN đã nỗ lực đầu tư làm gạo có thương hiệu, chất lượng.
Khi DN hình thành được thương hiệu gạo nội địa rồi, đăng ký với Nhà nước rồi thì chỉ cần đăng ký một lần và sử dụng vĩnh viễn, chứ không nên bắt phải đăng ký lại thương hiệu hàng năm như hiện nay, rất bất tiện, tốn kém thời gian, tiền bạc.
Bên cạnh đó, DN nào về nông thôn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, làm cánh đồng lớn, ký kết với nông dân để tiêu thụ nông sản của họ trên cánh đồng lớn thì nên được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng để DN có vốn hoạt động (ví dụ: trung bình lãi suất ngân hàng thương mại hiện nay là 8%/năm, thì DN chỉ phải trả 4%/năm, phần còn lại Nhà nước lấy ngân sách bù cho các ngân hàng thương mại).
Năm 2013, Thủ tướng đã ký quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát trong thu hoạch. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất cho năm thứ ba trở về sau để DN, HTX hoặc nông dân mua máy móc phục vụ SX nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, nhiều ngân hàng không còn mặn mà cho vay nữa vì Nhà nước không trả lại kịp thời lãi suất cho ngân hàng. Xin đề nghị Nhà nước chủ động dành ra một khoản ngân sách hàng năm để chi trả cho việc này nhằm khuyến khích DN và nông dân trong cánh đồng lớn mua sắm máy móc thiết bị để tổ chức SX, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!
"Hiện nay, nhiều DN về nông thôn cùng nông dân hình thành cánh đồng lớn trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có thị trường rộng mở trong nước và tiềm năng XK, họ đa số cần một nhà sơ chế có trang thiết bị cần thiết để hoạt động. Đối với trường hợp này, nhà nước nên miễn tiền chuyển nhượng đất để DN có đất xây nhà máy sơ chế trái cây. Nhà nước cần hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng để DN xây dựng nhà sơ chế và mua máy móc thiết bị sơ chế, đóng gói trái cây. Nhà nước nên lập 1 phòng phân tích hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, kết quả phân tích được 100% các quốc gia trên thế giới thừa nhận để phân tích dư lượng thuốc BVTV, phân bón, kim loại nặng, vi sinh trên nông sản để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và XK. Lệ phí phân tích chỉ lấy tượng trưng để mua hóa chất, không tính khấu hao tài sản đầu tư và lương nhân viên. Cơ quan này được Nhà nước tài trợ cho hoạt động", PGS.TS Dương Văn Chín. |