Dấu ấn văn hóa trong địa danh Quảng Ninh
- Chủ nhật - 22/09/2019 06:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phế tích đình Đồng Đình ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên nói lên rằng giữa vùng đồng bào dân tộc từng có một ngôi đình theo kiểu người Kinh dưới xuôi.
Các vùng đồng bào dân tộc ở Quảng Ninh có nhiều địa danh là đình, đền, miếu. Chỉ tính riêng 9 xã có đồng bào dân tộc Tày, Dao sống tập trung nhất (từ trên 50% trở lên) ở Quảng Ninh hiện nay thôi đã có 17 đình, miếu. Thêm nữa, lễ hội tại các đình đền này có tính đặc thù về văn hoá nhưng lại có những nét chung giống người Kinh như dựng cây nêu, đánh đu, bắn cung... Nghiên cứu những địa danh này sẽ thấy sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc và sức sống của văn hóa Việt rất bền bỉ, mạnh mẽ.
Ở Quảng Ninh tồn tại hàng trăm địa danh có các chữ gắn với đặc trưng các vùng đồng bào dân tộc như: Nà, Khau, Voòng. Những địa danh này xuất hiện ở vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng ven biển không hề có. Ngược lại những địa danh có chứa các chữ áng, chữ vụng, chữ đượng thì chỉ tìm thấy ở vùng biển và ven biển không thấy trên miền núi. Điều đó nói lên rằng địa danh gắn liền với không gian sống, với phong tục tập quán của cư dân bản địa. Và Quảng Ninh có sự phong phú về địa hình, có nhiều dân tộc với phong tục tập quán đặc sắc thì đương nhiên kho tàng địa danh văn hóa cũng sẽ rất giàu có.
Trong lịch sử, tên của con sông Bạch Đằng đã nhiều lần thay đổi.
Một câu chuyện nữa là tính khả biến của địa danh Quảng Ninh. Nghĩa là địa danh đã thay đổi theo thời gian. Và mỗi một lần thay đổi lại là một câu chuyện văn hóa, lịch sử. Ông Nguyễn Cảnh Loan, đồng tác giả công trình nghiên cứu Địa danh Quảng Ninh xưa và nay, cho biết: Tên những thôn làng ở Quảng Ninh biến đổi ra sao cũng hết sức lý thú. Trước hết ta xem thôn là gì? Vai trò của thôn ra sao mà thời phong kiến ngoài xã còn có thôn? Ví dụ vào thời Lê, Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên có 25 xã, 1 thôn, thời Đồng Khánh Yên Hưng có 17 xã, thôn. Ở các châu Hoành Bồ, Vạn Ninh, Tiên Yên cũng diễn ra tương tự. Theo “Từ điển bách khoa Việt Nam”, thôn là điểm tụ cư của người Việt, cơ cấu dân cư của thôn thường có 2 quan hệ họ tộc và láng giềng. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học chưa thống nhất vị trí vai trò của thôn. Có ý kiến cho rằng thôn làng cũng có ý kiến làng nhiều thôn. Theo quan điểm chúng tôi, từ thực tế ở Quảng Ninh một số thôn chuyển thành làng nên có lẽ thôn gần làng hơn. Ví dụ: Thôn Mi Sơn năm 1903, chuyển thành Làng Mi Sơn, thôn Trạo Hà thời Bảo Đại chuyển thành làng Trạo Hà.
Cũng theo tìm hiểu của nhóm tác giả công trình “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”, từ thế kỷ thứ 15 người Việt đã đặt tên thôn, làng núi, sông, đồng, ruộng mang đậm mối quan hệ của thôn như: Bình La, Ngọc Sơn, Tứ Xuyên, Hiệp Khẩu, làng Bùi, thôn Đồng Ho, thôn Đồng Chùa v.v. Nhiều địa danh rất độc đáo như: Thôn Làng Dạ, thôn Làng Đài, thôn Làng Ngang, thôn Làng Nhội, thôn Làng Mô, thôn Làng Mới, thôn Làng Han, Làng Vân, Làng đảo Hà Nam, xã Bản Sen v.v. Những địa danh đó là sản phẩm văn hóa dân gian rất đáng tự hào, đáng được trân trọng, nâng niu, bảo vệ.
Phạm Học/ Quảng Ninh.gov.vn