“Đầu tàu” trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới

“Đầu tàu” trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới
Báo cáo thành tích của đồng chí Trần Công Lý, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã An Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương thực sự tạo ấn tượng tại Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT TP Hải Dương, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của người cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới.

Đất ở của gia đình anh Lý nằm sát trục đường chính của thôn Chùa Thượng, được mở rộng theo quy hoạch đường giao thông nông thôn mới. Anh Lý cho biết: “Tôi rất trăn trở trước đề án mở rộng mặt đường từ 3m lên 6m, trong khi có 200m đường chưa đủ rộng theo đề án, liên quan tới 14 hộ dân có đất sát mặt đường. Sau nhiều ngày suy tính, tôi bàn với gia đình hiến 40m chiều dài và 3m chiều rộng đất ở để làm đường”.

Đồng chí Trần Công Lý (ngoài cùng bên trái) trên tuyến đường được mở rộng nhờ phong trào hiến đất làm đường. 

 

Ban đầu, vợ anh Lý là chị Bùi Thị Nam phản đối quyết liệt. Chị bảo, phần đất của gia đình dự kiến hiến trị giá gần 300 triệu đồng, không những không được hỗ trợ gì mà còn phải bỏ ra một lượng tiền khá lớn để xây dựng lại công trình, trong khi đó mỗi ngày, chị chỉ được lãi có 50.000 đồng nhờ bán cốm. Để có một mẻ cốm thành phẩm, chị rất vất vả từ khi rang thóc, cho vào cối giã, đưa ra sàng sảy lại đem vào giã tiếp, rồi rang cốm và đóng gói...

Khó khăn của gia đình anh là vợ chồng con trai lớn chưa có việc làm, lại vừa sinh con; đồng lương ít ỏi của anh chưa đủ để trang trải cho gia đình. Từ chuyện hiến đất mà vợ chồng anh đã tranh cãi căng thẳng, đến mức giận nhau. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì thuyết phục của anh và sự động viên từ cơ quan, đoàn thể địa phương, vợ anh Nam đã hiểu ra việc hiến đất sẽ góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, nâng cao đời sống cho gia đình và bà con. Cuối cùng, cả gia đình anh đồng thuận hiến hơn 120m2 đất, tháo dỡ và xây mới 40m tường bao. Hàng xóm của anh có người còn “khích”: Nhà đã nghèo lại còn hoang. Anh Lý không ngại, tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức rõ, mở rộng đường thì chính gia đình mình và hàng xóm láng giềng được hưởng lợi đầu tiên. Anh Lý bộc bạch: “Để xây dựng nông thôn mới, mình phải chấp nhận một phần thiệt thòi và phải gương mẫu làm trước, trong khi đoạn đường này làm điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn xã. Tiếp đó, anh trai tôi cũng hiến 139m2 đất và sau đó 12 gia đình còn lại cũng tự nguyện tháo dỡ các công trình và hiến mỗi nhà từ 20 đến 50m2; nhờ đó, đoạn đường dài 500m, rộng 6m được hoàn thành trong thời gian ngắn".

Hành động gương mẫu “làm trước” của đảng viên Trần Công Lý có sức lan tỏa lớn, đã giúp bà con thấy rõ trách nhiệm, không suy tính thiệt hơn, khiến việc hiến đất làm đường ở xã An Châu trở thành một phong trào lớn. Các hộ dân trong xã đã hiến hơn 19.000m2 đất, tổng trị giá gần 27 tỷ đồng và đóng góp gần 4.000 ngày công để mở rộng đường giao thông… An Châu trở thành xã đầu tiên của TP Hải Dương đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2010-2015.

Theo đồng chí Vũ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã An Châu, không chỉ gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, đồng chí Trần Công Lý còn tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã xây dựng và triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, nhất là xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên vững mạnh. Trong huấn luyện, anh Lý còn kết hợp tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân của xã tham gia làm công tác dân vận trên địa bàn…

Cùng với đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, đồng chí Trần Công Lý còn được UBND thành phố tặng giấy khen trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT TP Hải Dương, giai đoạn 2012-2017.

Bài và ảnh: PHÙNG VĂN HẠNH/QĐND