Đầu tư cả trăm tỷ theo chuỗi từ A-Z để có nguyên liệu sạch làm trà
- Thứ sáu - 29/09/2017 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cũng là trà, nhưng bà Võ Thị Lấn, chủ sở hữu danh trà Tâm Lan, muốn chứng minh không có giới hạn sáng tạo nào với ý tưởng chén trà từ cây hoàn ngọc, lược vàng, cúc hoa, kim ngân hoa… thay vì chỉ nghĩ tới trà từ nguồn Camellia sinensis hay Thea bohea và Thea viridis.
Bà Võ Thị Lấn, giám đốc công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan ở trang trại trồng dược liệu. Ảnh: N.H.L
Cái duyên trà thảo dược
Con đường dẫn bà Lấn tới thảo dược... lại chính từ sức ép của những căn bệnh triền miên, và nhờ không quên các bài thuốc gia truyền của cha nên con gái một thầy thuốc đông y tìm thấy cái “duyên trà” từ thảo dược.
“Mười đứa con tôi không đứa nào đồng tình, lý lẽ của tụi nó là khoa học bây giờ tiến bộ, sao mẹ không đi bệnh viện điều trị mà ở nhà tự sắc thuốc uống? Ngay khi tôi nói mẹ thấy khoẻ hơn, các con vẫn cho rằng mẹ say mê nghề của ông ngoại nên nói hết bệnh, chứ cỏ cây làm sao trị bệnh được?”, bà Lấn kể lại.
Tới bệnh viện tái khám, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm nói “bà đã khỏi bệnh”. Phải nhờ tây y “chứng thực”, đông y mới đủ sức kéo các con bà Lấn “cuốn theo chiều gió” để Trà Tâm Lan ra đời.
Mười năm trước, làm trà chỉ biếu cho người thân, đến khi đủ điều kiện để công ty đưa hàng ra bán, bà Lấn bưng từng tách trà mời khách. Nhiều người nói việc đó để nhân viên làm. Đâu có ai biết bà từng gặp may mắn từ những chén trà nên muốn tự tay mình bưng chén trà may mắn mời khách.
Ở hội chợ Úc, bà cũng bưng tách trà mời khách. Hôm đó các nhân viên gian hàng Tâm Lan mặc áo dài lịch sự, bảnh bao pha trà mời khách. Một người, mà ngay sau đó bà biết là thị trưởng, dùng trà và nghe giải thích lợi ích của việc uống trà, rồi cảm ơn Tâm Lan đã đem sản phẩm đến đây vì sức khoẻ của người tiêu dùng nước Úc. Chốc lát, ông thị trưởng, nói: “Bà giám đốc công ty làm việc này, tôi cùng làm với bà”.
Ông luôn đặt những câu hỏi và trả lời câu hỏi “Đưa sản phẩm qua Úc, mong muốn của bà là gì?”, bà Lấn thấy nó tự nhiên “to tát”: “Tôi muốn đưa sản phẩm của nước tôi tới các nước để thế giới biết Việt Nam cũng có danh trà không thua kém gì các nước khác”.
Ông càng thích thú khi nghe Tâm Lan có một hệ thống nông trại không dùng hoá chất, cuộc phỏng vấn vừa dò tìm vừa dẫn dắt tới ngọn nguồn của sự bền vững. Giới truyền thông ghi hình phát trực tiếp; 17 kênh phát đi mà Tâm Lan không tốn một đồng nhờ cuộc tiếp xúc với ông thị trưởng. Điều ước ấy bà Lấn không nói ra lại tự nhiên đạt được.
Trang trại và bài học nội trị
Thay vì tìm kiếm doanh số từ bán hàng thô, Tâm Lan xây dựng hệ thống nông trại quy mô 50ha, trồng dược liệu, tới mùa trồng lúa, tỉa đậu, nuôi trùn quế, nuôi bò, nuôi cá, nuôi gà… tuỳ theo mùa vụ và địa hình, nguồn nước. Nuôi trùn quế phối trộn thức ăn cho 600 con heo (cả trăm con nái), bón phân cỏ nuôi bò (hơn 500), dùng phân bò cải tạo đất trồng lúa, dược liệu theo tư duy năng lượng tương hợp (syntropy) từ năm 2009.
Hồi đó, ít ai nói sản phẩm hữu cơ, bà Lấn nói từ mối dây mơ rễ má với ký ức làng quê nên bà thấy đất trống thì trồng cây thuốc, nuôi bò, mua lục bình ủ phân hữu cơ, bón cho cây trồng giống như ông bà mình hồi trước.
Từ chỗ thiếu tin, các con bà đã nhập cuộc. Bài học nội trị của bà là mọi người phải nhập tâm, không chỉ giải quyết bài toán giá trị gia tăng từ nguồn lực bản địa mà còn tìm cách chia sẻ may mắn cho người dùng, tất cả phải chịu khó, phải chờ nhau, phải biết cách kết hợp nhịp nhàng. Ông Nguyễn Hồng Lâm, thành viên trong gia đình, nói bốn loại cây bản địa được trồng ở trang trại. Không chỉ có Tâm Lan trồng, nhưng mỗi người trồng có chiến lược riêng để phát huy tối đa giá trị thảo dược bản địa. Các anh em chia nhau học cách nuôi trùn, nuôi heo, xây trại bò, làm trại trùn quế, cách xử lý nước thải từ trại chăn nuôi… Một hệ thống nông trại khép kín dù giá thành chăn nuôi còn mắc hơn sản phẩm của Cargill, nhưng phải làm chỉ để có nguyên liệu sạch làm trà.
Một lần không may mắn
Vừa rồi nhập khẩu người ta lấy sản phẩm mình đi kiểm nghiệm và sản phẩm trà Tâm Lan đạt hơn 500 chỉ tiêu nhờ không sử dụng phân hoá học, không sử dụng thuốc trừ sâu... |
“Cả hệ thống đang chuyển đổi, tuy cùng gia đình nhưng không cùng lớp, không cùng ngành học, mỗi người một cách nghĩ…”, ông Lâm, chuyên lo phát triển thị trường, nói: anh em chia công việc, nương tựa nhau, thậm chí phải biết chờ nhau khi chuyển đổi. Tới tháng 10.2017, Tâm Lan sẽ có thêm trà đinh lăng, điều kiện để một sản phẩm vì sức khoẻ ra thị trường không hề đơn giản, phải đầu tư theo dự án nghiên cứu, trồng dược liệu, việc đầu tư cả trăm tỉ đồng vào hệ thống nông – công – thương...
Nếu tính lao động thời vụ thì hàng trăm người làm, nhưng đời doanh nghiệp một tháng sáu đoàn kiểm tra liên ngành, chẳng ai quan tâm tới ý tưởng tôn tạo giá trị bản địa để trở thành sản phẩm thương mại chông gai cỡ nào. Cũng từng gặp oan khiên “bị buộc phải tiêu huỷ hàng”, bà Lấn vẫn kiên trì chứng minh tới khi được giải oan.
“Tôi đã lập ra Tâm Lan, 70 tuổi rồi nhưng nếu ngày nào còn sức khoẻ thì tôi vẫn làm hết sức. Vừa rồi nhập khẩu người ta lấy sản phẩm mình đi kiểm nghiệm và sản phẩm trà Tâm Lan đạt hơn 500 chỉ tiêu nhờ mình không sử dụng phân hoá học, không sử dụng thuốc trừ sâu”.“Trà Tâm Lan đã đi nhiều nước: Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái, Lào… cái chính nhờ người tiêu dùng mang sản phẩm của mình ra ngoài và người ta hiểu đúng trà của mình”, bà Lấn nói.
Trong đời người, chỉ cần không đúng tên Võ Thị Lan như cha mẹ đặt, mà bà mang tên Lấn, vì không đấu tới cùng với cái sai của “quý ngài hộ tịch” đã là một bài học không may mắn rồi.