Đầu tư cho nông nghiệp 4.0 đã sẵn sàng
- Thứ ba - 17/10/2017 23:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với 13,8 triệu hộ nông dân, 78 triệu mảnh ruộng nhỏ, quy mô của nền nông nghiệp Việt Nam được cho là manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc tái cơ cấu nền nông nghiệp sẽ khó có thể thành công nếu không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất. Tuy nhiên, băn khoăn của nhiều người trong cuộc là với trình độ phát triển cũng như nguồn lực hạn chế hiện nay, thì đầu tư hiện đại hoá quy trình sản xuất cần bắt đầu từ đâu?
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua khảo sát các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại những quốc gia phát triển trong lĩnh vực này như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Isarel… có thể thấy nông nghiệp 4.0 là sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản; công nghệ chế biến; công nghệ tự động hoá; công nghệ quản lý… Tất cả đều được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông tin với các ứng dụng trên nền tảng internet.
Với sự phát triển đồng bộ như vậy, ông Môn bày tỏ băn khoăn về vị trí, vai trò của người nông dân Việt Nam trong xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh. Trong xu hướng đó, nông dân Việt Nam có đủ khả năng thích ứng, ứng dụng các công nghệ của nông nghiệp thông minh hay không?
Ảnh minh họa |
TS. Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty giống Thái Bình cũng lo ngại, chưa nói đến công nghệ 4.0, hiện nay một số công đoạn trong sản xuất nông nghiệp còn chưa đạt tới trình độ 2.0 và 3.0. Thực tế này cho thấy, chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay công nghệ 4.0 vào tất cả các khâu vì chưa đủ nhân lực và trình độ.
Chỉ ra chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn thấp và còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin về thị trường; liên kết 4 nhà còn lỏng lẻo, thiếu vốn đầu tư, nhưng TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn nhìn nhận những khó khăn này như là sức ép để việc ứng dụng công nghệ 4.0 trở thành xu hướng tất yếu. Ở góc độ tích cực hơn, theo ông Tuấn, công nghệ 4.0 giúp tăng tốc độ sản xuất rất nhanh, không giới hạn quy mô, vì vậy quy mô nhỏ cũng có thể tăng tốc được.
Bên cạnh đó, khi áp dụng công nghệ 4.0, tốc độ từ khâu nghiên cứu đến ra ứng dụng công nghệ, rồi cho ra sản phẩm rất nhanh, từ lúc bỏ tiền đầu tư đến khi có lãi chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là lợi thế của công nghệ 4.0 giúp tháo gỡ nhiều bất lợi của nền sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ còn giúp tăng cường kết nối mạnh, tạo cơ hội tốt cho người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, cũng như với người tiêu dùng.
Để bắt nhịp công nghệ 4.0 với trình độ phát triển hiện nay, GS-TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, các hộ sản xuất không nhất thiết áp dụng công nghệ cao ở tất cả các công đoạn. Ông Bộ phân tích, trong chuỗi sản xuất của ta vẫn phải áp dụng thành tựu của công nghệ 2.0 là cơ giới hoá vì vẫn còn nhiều công đoạn thực hiện bằng tay, hoặc tự động hoá sản xuất theo dây chuyền. Như vậy có thể hài hoà công nghệ của các cuộc cách mạng công nghiệp khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng, sản phẩm.
Ông Bộ cũng lưu ý, kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy, không nhất thiết phải sản xuất ở các cánh đồng hàng ngàn ha. Như Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có cánh đồng rất nhỏ vẫn ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua kết nối trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Ông cho rằng, công nghệ giúp mô hình sản xuất, quản lý được tối ưu hoá, không qua hệ thống trung gian, nhờ đó người nông dân bán được sản phẩm với giá tốt, còn người tiêu dùng có được hàng hoá chất lượng cao và có thể truy xuất được nguồn gốc. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề lớn hiện nay là người tiêu dùng thiếu niềm tin ở người sản xuất. Vì vậy, đây chính là công đoạn mà những nhà đầu tư nông nghiệp có thể ứng dụng rộng rãi trước tiên.
Sau khi đã xác định đầu tư công nghệ một cách vừa sức, vấn đề băn khoăn nhất lúc này chính là nguồn vốn cũng không phải là vấn đề khó gỡ. Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank khẳng định, NH này luôn sẵn sàng nguồn vốn rót vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông Thành cũng cho biết, lãi suất cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao luôn được NH dành mọi ưu đãi. Nếu trước đây, mức lãi suất mà Agribank đưa ra là 7%/năm, thì tới nay đã giảm xuống chỉ còn 6%/năm và nếu khách hàng vay càng tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi sản xuất thì mức lãi suất sẽ càng giảm sâu tương ứng. “Chỉ cần có dự án tốt là NH sẵn sàng vào cuộc và tạo mọi điều kiện. Đó chính là cách để chúng tôi cùng tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao”, ông Thành khẳng định lại về sự sẵn sàng vào cuộc của ngành NH.
Khanh Đoàn/ Thời báo ngân hàng