Đầu tư cho nông nghiệp: Cần đúng mức và đúng chỗ
- Thứ ba - 04/11/2014 04:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối mặt với vô vàn thách thức, từ suy thoái kinh tế thế giới đến thiên tai, dịch bệnh hoành hành nhưng ngành nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây liên tục ghi nhận những thành quả thắng lợi. Thế nhưng, đầu tư cho nông nghiệp lại liên tục tụt giảm, chỉ còn dưới 6% tổng mức đầu tư, năm sau thấp hơn năm trước. Nông nghiệp ngày càng trở nên tụt hậu, bấp bênh, thấp kém cả về chất lượng và giá trị gia tăng.
Nông nghiệp từ lâu đã được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, đóng góp đều đặn hàng năm là 26 tỷ USD, chiếm khoảng 20% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nông nghiệp, nông thôn cũng là nơi sinh sống, làm ăn của 70% dân số với hàng triệu lao động. Trong lúc kinh tế suy thoái, khủng hoảng, nhiều lao động không tìm được việc làm ở thành phố khi ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ thu hẹp, đã trở về đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, có thu nhập ổn định. Người dân nông thôn cũng nhờ sản xuất thuận lợi mà kinh tế vững vàng, xóa đói giảm nghèo được cải thiện.
Thế nhưng, vấn đề được nhắc đến rất nhiều lần trong các hội nghị, hội thảo và trên cả diễn đàn mỗi kỳ quốc hội nhưng vẫn chưa giải quyết được là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng bị sụt giảm, teo tóp. Thêm nữa, tiền đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ ít mà nhiều trường hợp lại chưa “trúng” với những gì nông nghiệp, nông thôn đang cần để có thể phát triển. Vì thế khiến nông nghiệp phát triển ỳ ạch, nông thôn còn nghèo, đời sống nông dân thì bấp bênh.
Những năm qua, chúng ta mới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, nghĩa là mở rộng sản xuất, khai thác đất đai, nguồn lực để nâng cao năng suất; chứ chưa chú trọng đến phát triển theo chiều sâu, đến chất lượng, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Chúng ta mải vui với những số lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới, thế nhưng lại chưa chú ý đến lợi nhuận thu về sau mỗi vụ lúa hai sương một nắng của nông dân. Ấy thế mới có nghịch lý, một nước cường quốc xuất khẩu gạo trong nhiều năm nhưng người dân nhiều nơi lại chịu cảnh thiếu đói mùa giáp hạt, người trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất.
Ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết để tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng ở không ít địa phương, lãnh đạo cơ sở đã biến chương trình này như thực hiện những dự án, dồn tiền xây dựng kết cấu hạ tầng hết sức hoành tráng, to rộng. Trong khi sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân có quá nhiều điều thiết thực lại không được tập trung đầu tư.
Vẫn biết là đất nước còn khó khăn, tiền không nhiều, thế nên càng cần phải tiêu tiền thế nào cho đúng, cho hiệu quả. Những chương trình dự án đầu tư cho phát triển nông thôn theo kiểu phong trào hào nhoáng, để lấy thành tích cần được dừng lại hoặc xóa bỏ để tập trung đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản xuất như khoa học công nghệ, thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân... Được như vậy, kinh tế nông nghiệp sẽ phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.
Một khi nông nghiệp, nông thôn bị tụt hậu, yếu kém, nghĩa là trụ đỡ lung lay thì nền kinh tế đất nước thật khó phát triển ổn định, vững bền. Một khi 70% dân số ở nông thôn không có thu nhập đảm bảo cuộc sống, vấn đề an sinh chưa ổn thỏa thì đất nước cũng khó giải quyết được các vấn đề kinh tế- chính trị khác.
Vì thế, đầu tư “đúng mức” và “đúng chỗ” cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi thể chế, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này để thúc đẩy đầu tư là vấn đề cần được xem xét một cách thấu đáo, bài bản, và càng sớm càng tốt. Bởi tuy được coi là một nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp nước ta có rất nhiều lỗ hổng, bị tụt hậu so với các nước hàng chục năm về công nghệ và giá trị gia tăng. Hãy đừng để nền nông nghiệp của chúng ta chạy sau các nước thêm nữa!./.
Theo vov.vn