Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao: Tháo gỡ những “nút thắt”
- Thứ sáu - 18/05/2018 09:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, góp phần cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao… Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn là bài toán khó, cần sớm tháo gỡ những “nút thắt”.
Sản xuất nấm kim châm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) bằng công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Thái Hiền |
Vẫn còn gian nan
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Nhìn chung, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đều cho năng suất cao hơn so với mô hình truyền thống từ 10 đến 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 28%... Hà Nội đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao toàn phần đạt hiệu quả kinh tế cao như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao ở huyện Mỹ Đức, năm 2017 doanh thu đạt 35 tỷ đồng; Hợp tác xã Nam Phương Tiến ở huyện Chương Mỹ có 70ha trồng bưởi, năm 2017 cho thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội): Việc ứng dụng công nghệ cao toàn phần trên địa bàn thành phố vẫn thấp, mới áp dụng trên hoa hoặc rau thủy canh, còn lại được thực hiện từng phần ở khâu giống hoặc chăm sóc. Mức độ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng không đồng đều nên sản lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu...
Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố lớn, nhưng quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp/hộ gia đình nhỏ, do đó việc tích tụ ruộng đất để hình thành các khu, vùng công nghệ cao thu hút doanh nghiệp đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ví như tại địa bàn thị xã Sơn Tây, mặc dù có lợi thế về đặc sản vùng miền với các sản phẩm như: Gà Mía, dê, thỏ, chè Cam Lâm… nhưng là vùng trung du, diện tích canh tác manh mún, chủ yếu phát triển kinh tế hộ gia đình, nên chưa có doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến chi phí đầu tư lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, hiệu quả không cao, nên các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư…
Ngoài ra, khó khăn về vốn là một trở ngại đối với doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô sản xuất. Theo bà Dương Thị Thu Huệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao, đơn vị đã đầu tư gần 70 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, doanh thu ổn định nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đầu tư mở rộng mặt bằng, phát triển sản xuất…
Hỗ trợ về vốn và mặt bằng sản xuất
Theo định hướng của thành phố đến năm 2020 là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng lĩnh vực này chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp...
Thực hiện mục tiêu trên, vấn đề vốn đầu tư phát triển sản xuất luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Bà Dương Thị Thu Huệ cho rằng: Doanh nghiệp rất mong thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư mở rộng mặt bằng, dây chuyền công nghệ hiện đại để tăng năng lực sản xuất, giúp giá trị sản phẩm tăng, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…
Về vấn đề mặt bằng phục vụ sản xuất, đất “sạch” luôn là một trong những điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh: Nếu được tháo gỡ khó khăn về chính sách trong tích tụ ruộng đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có quy hoạch chi tiết, sử dụng đất ổn định, lâu dài, sẽ “kích cầu” thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngày 17-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thời gian tới, đồng thời với việc nghiên cứu Nghị định của Chính phủ, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp tích cực với các ngành liên quan để rà soát, đề xuất triển khai các chính sách của Trung ương; đồng thời tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục ban hành chính sách về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học, kêu gọi đầu tư... Qua đó khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.