Đầu tư nông nghiệp bền vững: Cần cải thiện môi trường và chính sách
- Thứ ba - 12/06/2018 22:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, từ lợi thế đến thực tiễn còn đòi hỏi phải cấp thiết cải thiện môi trường và chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 4,5 - 5%/năm, trong đó giá trị của ngành chăn nuôi chiếm 30 - 32% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng để tiếp thêm động lực cho người chăn nuôi, tuy nhiên, thực tế trong suốt năm qua giá heo hơi trên thị trường luôn trồi sụt thất thường khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ.
Sau khi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc, sự thua lỗ đã giảm đáng kể (hơn 3.000 tỷ đồng mỗi tháng). Song, theo tính toán của Hội Chăn nuôi, sự khủng hoảng về cung - cầu thịt heo vừa qua đã làm người chăn nuôi mất đi phần lãi khoảng 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số tiền đầu tư mà lẽ ra họ được hưởng.
Không chỉ ngành chăn nuôi heo, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hằng năm đều có thể rơi vào tình trạng biến động thất thường. Những sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt mà chỉ riêng ngành nông nghiệp và nông dân không thể tự giải quyết được. Điều này thể hiện qua việc thị trường năm nào cũng lặp lại tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp, thậm chí dưới giá vốn. Phần thua thiệt chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất.
Vấn đề này thôi thúc và đòi hỏi những chính sách nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng ta có thể kỳ vọng gì khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (ngày 17/4/2018) về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP? Nghị định mới cho thấy hàng loạt bất cập trong chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn đã được thay đổi.
Ví dụ, nghị định này quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các DN đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Điển hình, DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án, miễn tiền sử dụng đất cho phần đất sau khi được chuyển đổi.
Chính sách khuyến khích cũng cho thấy nhiều sự đổi mới hơn: DN đầu tư vào dự án nông nghiệp - nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, thời gian tối đa 8 năm.
Bên cạnh đó, DN đặc biệt được ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp để đào tạo nghề cho lao động, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/lao động trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, DN này cũng được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển khai hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Nghị định 57 đề cập những giải pháp cấp thiết về cải thiện môi trường. Chẳng hạn đối với vùng đất nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho người dân đã đưa ra giải pháp trước hết là quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi mục đích sản xuất, đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn, nước ngọt cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước trong mùa mưa lũ.
Đồng thời áp dụng các giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các vùng ven biển, xây dựng các vùng nuôi thâm canh thủy sản nước mặn -lợ.
Rà soát quy hoạch lại hạ tầng thủy lợi ở các vùng đồng bằng phù hợp phát triển nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành, chỉnh trang bố trí đồng ruộng, đảm bảo tưới tiêu chủ động, đáp ứng cơ giới hóa sản xuất.
Quy hoạch cho các trạm bơm lớn tưới tiêu có quy mô tiểu vùng từ 300 - 500ha thay cho các trạm nhỏ từ 5 - 100ha, cùng lúc hoàn thiện tổ chức quản lý tưới tiêu, bảo vệ môi trường, áp dụng các phương thức kỹ thuật tiên tiến để tiết kiệm nước, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... Điểm rõ nhất ở các quy định mới là đưa ra cơ chế, chính sách về đất đai, khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng...
Có thể nói, khá nhiều quy định mới sâu sát hơn với thực tiễn sản xuất và những đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, lâu nay các chính sách ra đời đều cho thấy để có thể đưa vào thực tiễn hữu hiệu là khó khăn rất lớn, đòi hỏi một cơ chế vận hành và áp dụng năng động, sự am hiểu của nhà quản lý lẫn người dân. Nếu không, tình trạng "giải cứu" nông sản, hay khủng hoảng trong nghề chăn nuôi heo như đề cập ở trên vẫn lặp lại mà không thể thiết lập giải pháp khơi thông dài hạn phục vụ cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.