Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Hậu Giang có 2 cái nhất, đó là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí (xã Đại Thành) sớm nhất và huyện NTM (TX. Ngã Bảy) đầu tiên tại ĐBSCL.
TX Ngã Bảy, đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang, cũng là đầu tiên của khu vực ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM

Sau 5 năm  triển khai xây dựng NTM, tỉnh Hậu Giang đang là điểm sáng của khu vực ĐBSCL với 1 đơn vị cấp huyện và 12/54 xã (chiếm 22,22%) được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của tỉnh cũng như của Chính phủ giai đoạn 2010 - 2015.

Trong kết quả đó, Hậu Giang có 2 cái nhất, đó là xã hoàn thành 19/19 tiêu chí (xã Đại Thành) sớm nhất và huyện NTM (TX. Ngã Bảy) đầu tiên tại ĐBSCL.

Có được thành quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo; những khó khăn, vướng mắc sớm được đưa ra bàn thảo và tháo gỡ kịp thời.

Làm rốt ráo

Tôi đã nhiều lần được dự các cuộc họp của BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang với các huyện, xã. Trong các cuộc họp ấy, nếu vướng mắc ở tiêu chí do sở, ngành nào chịu trách nhiệm thì thủ trưởng đơn vị đó phải cùng tham dự với lãnh đạo tỉnh, đưa ra hướng giải quyết và thời gian hoàn thành một cách cụ thể, không nói chung chung.

Chẳng hạn xây dựng cơ sở văn hóa xã, ấp thì Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm, có kế hoạch triển khai. Sở Tài chính cân đối ngân sách, sử dụng từ nguồn nào, cách giải ngân...

Cứ như vậy, các vướng mắc được lãnh đạo tỉnh giải quyết ngay trong cuộc họp, giao cho các đơn vị thực hiện, nếu chậm trễ là bị phê bình, nhắc nhở. Với cách làm rốt ráo, cuốn chiếu, nên tiến độ xây dựng NTM của Hậu Giang đạt rất nhanh, vượt tiến độ đề ra.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết, 5 năm qua, tổng vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh đạt hơn 12.370 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình là gần 124 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 8,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 3.600 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 5.760 tỷ đồng, vốn DN hơn 809 tỷ đồng, vốn huy động dân đóng góp hơn 1.924 tỷ đồng…

Nguồn kinh phí này chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình SX, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...

Đầu tư có trọng điểm

Trong bối cảnh nguồn kinh phí có hạn, tỉnh Hậu Giang không làm dàn trải mà đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cùng với sự linh hoạt, sáng tạo trong lồng ghép các nguồn vốn của các ngành, các cấp, sự chung tay góp sức của các DN trong và ngoài tỉnh và người dân cùng tham gia xây dựng NTM nên cơ sở hạ tầng của nông thôn đã thay đổi rất rõ nét.

Hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi... được khang trang, bộ mặt nông thôn đã được thay đổi với diện mạo mới đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân, tạo được sinh khí phấn khởi trong người dân.  

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Hậu Giang hiện đạt 28,17 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010 (10,34 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ trong 5 năm đã giảm từ 22,8% (năm 2010) xuống còn 6,23% hiện nay.

Số đơn vị hoàn thành các tiêu chí tăng nhanh qua từng năm, với 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 là đơn vị TX. Ngã Bảy và 12/54 xã thuộc 7 đơn vị huyện, TX, TP được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm xã: Đại Thành, Tân Thành, Hiệp Lợi (TX. Ngã Bảy); Tân Tiến, Vị Tân (TP. Vị Thanh); Vị Thanh (huyện Vị Thủy); Thạnh Hòa, Phương Phú (huyện Phụng Hiệp); Vĩnh Viễn, Thuận Hưng (huyện Long Mỹ); Trường Long Tây (huyện Châu Thành A); Đông Thạnh (huyện Châu Thành).

Các tiêu chí cơ bản đều đạt cao như: tiêu chí số 10 (thu nhập) có 28 xã đạt, tiêu chí số 11 (hộ nghèo) có 37 xã đạt, tiêu chí số 12 (việc làm) có 50 xã đạt và tiêu chí số 17 (môi trường) có 19 xã đạt. Hiện nay, toàn tỉnh không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, có 10 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 27 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt 15 - 18 tiêu.

Đây là thành quả của nhiều năm kiên trì tuyên truyền vận động, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớn nhân dân. Tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2020.

Để Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đạt kết quả cao, Hậu Giang kiến nghị Trung ương sớm ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM (sửa đổi bổ sung), Bộ tiêu chí đối với các huyện, xã đạt chuẩn ngay từ đầu năm 2016.
Nhiệm vụ đặt ra cho xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016- 2020 khá lớn và rất quan trọng góp phần đưa Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá khu vực ĐBSCL, bên cạnh sự ủng hộ của Trung ương, các đơn vị bạn, các DN, các tổ chức, cá nhân hướng về Hậu Giang... đúc kết kinh nghiệm trong 5 năm qua, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Qua phát động phong trào đã được các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều nội dung, hình thức như: lãnh đạo thì có những tâm huyết và hành động thiết thực kêu gọi nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quần chúng, đảng viên trong thực hiện xây dựng NTM; cán bộ thì có những sáng kiến, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn, tham mưu tốt cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM trong thực hiện xây dựng NTM; người dân thì vận động mọi người cùng tham gia, hiến công, hiến đất, hoa màu,… làm các công trình phúc lợi xã hội (tổng vốn dân góp 5 năm hơn 1.924 tỷ đồng).

Nhiều mô hình hay

Trong quá trình triển khai thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện những mô hình hiệu quả, cách làm hay mà điển hình như: mô hình xóa trắng ấp nghèo của xã Đại Thành, Tân Thành và xã Đông Phú; Mô hình cánh đồng lớn xã Vị Thanh, xã Trường Long Tây; Mô hình trồng cam sành theo hướng VietGap xã Tân Thành.

Hình thành câu lạc bộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng với 52 thành viên; Mô hình con đường đẹp với hàng rào cây xanh, cảnh quang môi trường sáng - xanh - sạch đẹp ở xã Vị Thắng và xã Tân Thành; Mô hình huy động vốn từ Mạnh Thường Quân hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của xã Thạnh Hòa; Mô hình “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu” tại xã Phương Phú và xã Tân Hòa

Các mô hình về bảo đảm an ninh trật tự như: “Cổng rào an ninh trật tự”; Mô hình “Diễn đàn công an cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”; Mô hình “Tự phòng, tự quản” ấp Đông An 2, Tân Thành; Mô hình “Tự quản về an toàn giao thông” ấp Sơn Phú 2A, Xẻo Vông A, Xẻo Vông B của Tân Thành và Hiệp Lợi; Mô hình “Treo đèn ngoài ngõ” giữ gìn an ninh trật tự ấp Mái Dầm, xã Đại Thành.

Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, tỉnh Hậu Giang xác định rõ mục tiêu, lộ trình, giải pháp và hướng đi hết sức cụ thể như sau: Phấn đấu đến năm 2020 có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và có thêm 16 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

Tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn trước. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành mục tiêu trên là hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình là 290 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 9,1 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 3.780 tỷ đồng, vốn tín dụng 10.438 tỷ đồng, vốn DN hơn 1.327 tỷ đồng, huy động dân đóng góp 2.021 tỷ đồng và từ nguồn khác 200 tỷ đồng…

Nguồn: NNVN