Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Tiền Giang với triển vọng xuất khẩu trái cây

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Tiền Giang với triển vọng xuất khẩu trái cây
Tiền Giang là tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cây ăn quả. Tại đây, cây ăn quả chiếm gần 40% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm đạt giá trị sản xuất trên 13.131 tỷ đồng

 Chăm sóc thanh long tại huyện Tân Phước. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp; trong đó, ngoài lúa gạo thì trái cây đặc sản là một trong những mũi nhọn kinh tế địa phương, nguồn nông sản xuất khẩu mang lại giá trị lớn. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 73.000 ha vườn trồng cây ăn quả với sản lượng hơn 1,33 triệu tấn trái cây các loại.

Tiền Giang là tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cây ăn quả. Tại đây, cây ăn quả chiếm gần 40% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm đạt giá trị sản xuất trên 13.131 tỷ đồng, chiếm đến 53,47% giá trị trồng trọt và gần 32% giá trị toàn ngành nông nghiệp.

Nằm trong chiến lược phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn, tỉnh đã định hình được những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn như: dứa (khóm) trên 16.000 ha, sầu riêng 9.200 ha, thanh long khoảng 6.000 ha, xoài trên 4.000 ha, vú sữa trên 3.000 ha,..Từ đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sản xuất theo hướng GAP (qui trình nông nghiệp an toàn trong sản xuất nông nghiệp) nhằm nâng chất lượng nông sản, đảm bảo nguồn nông sản hàng hóa an toàn và truy xuất được nguồn gốc tham gia thị trường, Tiền Giang đã tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh và có 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP hoặc Viet GAP cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh như: xoài, thanh long, sầu riêng, dứa, mãng cầu xiêm,...

Cùng đó, Tiền Giang còn quan tâm phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giải quyết tốt đầu ra cho nông sản chủ lực, nông dân hưởng lợi. Dứa, xoài, thanh long, vú sữa,…là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng mang lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Sau hàng chục năm đàm phán, trái vú sữa Việt Nam vừa qua đã được chấp nhận nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Trong tháng 12/2017, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp cùng UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên vào thị trường Mỹ. Kết thúc niên vụ vú sữa 2017 – 2018, Tiền Giang đã xuất được khoảng 240 tấn quả. Đây là một tin vui làm nức lòng mọi người.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018, ước tính xuất khẩu trái cây đã thu về khoảng 30 triệu USD, tăng 45,3% so cùng kỳ năm trước. Đó là thống kê sơ bộ chưa kể số lượng trái cây xuất khẩu dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc rất lớn chưa thể cập nhật.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường (gọi tắt là Doanh nghiệp Cát Tường) – một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2018, doanh nghiệp phấn đấu xuất khẩu khoảng 50.000 tấn trái cây tươi, chủ yếu là thanh long sang Trung Quốc và một số nước khác, đạt kim ngạch 80 triệu USD. Riêng về vú sữa, dự kiến trong niên vụ 2018 – 2019 tới, doanh nghiệp phấn đấu xuất khẩu từ 7.500 tấn đến 10.000 tấn quả sang Hoa Kỳ.

Đây cũng là doanh nghiệp được chọn xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang thị trường Mỹ vào tháng 12/2017 vừa qua. Đối với thanh long, doanh nghiệp Cát Tường, đóng gói sản phẩm với bao bì mang thương hiệu “thanh long Cát Tường Tiền Giang” và xuất sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…Để khuếch trương thương hiệu, tạo thị trường bền vững, ổn định cho trái thanh long, doanh nghiệp đã tổ chức được 20 đầu mối tiêu thụ tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Với ưu thế về nguồn lực, trang thiết bị sơ chế đóng gói hiện đại, đạt chuẩn và mới đây, doanh nghiệp đã đầu tư thêm hệ thống xử lý nhiệt nhập từ Nhật Bản đã giúp sản phẩm mạnh bước thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng nhưng cũng giàu tiềm năng và cơ hội cho trái cây Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, chủ vựa trái cây Huỳnh Thu, xã Long Trung, huyện Cai Lậy cho biết, mỗi năm, vựa Huỳnh Thu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 100 đến 150 container sầu riêng tươi. Từ đó, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho vài ba chục lao động và khoảng 50 lao động thời vụ. Mỗi container 15 tấn quả, tương đương 2.250 tấn quả/năm.

Theo ông Dương Thành Hưng, Chủ tịch UBND xã Long Trung, một xã chuyên canh sầu riêng ở huyện Cai Lậy, địa phương hiện có trên 30 cơ sở thu mua, tiêu thụ trái cây; trong đó, có hàng chục cơ sở thu mua xuất khẩu sầu riêng tươi lớn như vựa Huỳnh Thu, vựa Bảy Ngũ Hiệp...

Nhìn chung, lượng trái cây xuất khẩu ở Tiền Giang tăng khá qua từng năm. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, số lượng vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng, còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trái cây xuất khẩu chủ yếu dạng tươi, thông qua các thương nhân trong tỉnh và Tp. Hồ Chí Minh, xuất đường tiểu ngạch qua Trung Quốc là chính.

Tiềm năng về cây ăn trái của Tiền Giang rất lớn, nhưng vấn đề giải quyết đầu ra sản phẩm hướng đến xuất khẩu vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế cần tháo gỡ. Đó là chất lượng không đồng đều, sản xuất qui mô nhỏ lẻ là chủ yếu, chưa có những hợp tác xã đủ mạnh để tập hợp nông dân nhằm thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực và thị trường xuất khẩu ổn định nhằm giải quyết đầu ra. Từ đó, tăng nhanh lượng trái cây xuất khẩu và các bên cùng có lợi; trong đó, có nông dân….

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Cao Văn Hóa, Tiền Giang đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, khẳng định phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa chất lượng, coi trọng liên kết chặt chẽ giữa nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, sản xuất qui mô lớn, tập trung theo hướng GAP tạo nguồn hàng xuất khẩu chất lượng tốt nhằm chiếm lĩnh thị trường các nước…là mục tiêu quan trọng.

Các vùng qui hoạch trọng điểm gồm: Vùng kinh tế trung tâm tỉnh bao gồm các huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phát triển cây thanh long chuyên canh; Vùng kinh tế phía Đông bao gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công chú trọng cây mãng cầu xiêm, cây thanh long; Vùng kinh tế phía Tây bao gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước trồng tập trung xoài cát, sầu riêng, dứa (khóm)…

Song song đó, tỉnh triển khai mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây chủ lực nói riêng. Đặc biệt, xác định ngành hàng và chủng loại trái cây cần đầu tư tập trung; kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng điện – đường – trường – trạm vùng chuyên canh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo thuận lợi trong thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Mặt khác, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành tổ chức kinh tế tập thể kiểu mới, liên kết các viện – trường nhằm chuyển giao và phổ cập kiến thức thâm canh khoa học tiên tiến cho nông hộ, chuyển giao giống mới gắn với áp dụng sản xuất theo tiêu chí GAP. Đồng thời, xây dựng thương hiệu nông sản, tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…Có vậy, mới giúp phát huy được tiềm năng cây ăn trái, đưa kinh tế vườn Tiền Giang thăng hoa, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp – thịnh vượng thời kỳ đổi mới và hội nhập./.
 

 

Tác giả bài viết: Minh Trí

Nguồn tin: bnews.vn