Đẩy mạnh trồng rừng gắn với xuất khẩu

Đẩy mạnh trồng rừng gắn với xuất khẩu
Quảng Trị là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nên địa phương đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trồng rừng sản xuất.
21-53-26_1_cb
Chế biến gỗ dăm xuất khẩu tại Quảng Trị.

Một trong những giải pháp đẩy mạnh diện tích rừng trồng là gắn đầu ra sản phẩm gỗ với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu.

Từ một nơi được mệnh danh là “gió Lào cát trắng”, hiện môi trường sinh thái ở Quảng Trị đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 46,7% năm 2010 lên 49,5% năm 2019. Tính đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh ước đạt gần 30.000 ha, vượt chỉ tiêu đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 12,7%/năm. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao chính là đẩy mạnh trồng rừng áp dụng chứng chỉ FSC.

Một bước ngoặt rất quan trọng đánh dấu sự khởi đầu lộ trình phát triển lâm nghiệp hiệu quả và bền vững ở Quảng Trị là vào năm 2007, nhờ sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Quảng Trị chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân đã tham gia dự án trồng rừng Việt - Đức tại địa bàn 2 xã Trung Sơn (Gio Linh) và Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh).

Đến năm 2010, mô hình được đánh giá lần đầu tiên, cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm (2010 - 2015) cho 316 ha rừng của 118 hộ gia đình thuộc 5 thôn của hai xã Trung Sơn và Vĩnh Thủy.

Đây là mô hình quản lý rừng bền vững của nhóm hộ nông dân đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC. Từ đó đến nay, nhóm hộ trồng rừng FSC ở trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với quy mô lên tới 30 chi hội trên địa bàn 51 thôn với hơn 22.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.

Các chuyên gia lâm nghiệp và các doanh nhân chuyên kinh doanh lâm sản của Việt Nam đã thống nhất với nhận định, rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC có 4 lợi thế chủ yếu so với các loại rừng trồng theo cách làm như lâu nay.

Một là, đảm bảo chức năng cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất đai, chống xói mòn, rửa trôi, chống sa mạc hóa, chống làm nghèo kiệt đất, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Hai là, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 phải có 30% rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.

Ba là, gỗ FSC tại Việt Nam hiện có giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ khoảng từ 15-20%.

Theo thông lệ quốc tế, giá gỗ bán từ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trung bình ở mức từ 150 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với rừng bình thường. Đặc biệt, chi phí ban đầu của hộ gia đình tham gia trồng rừng FSC mỗi héc ta rừng xấp xỉ 14 triệu đồng.

Người dân Quảng Trị tích cực trồng rừng nguyên liệu.

Đến năm thứ sáu tỉa thưa kỹ thuật một phần rừng lấy gỗ bán được đủ trang trải cho vốn đầu tư. Đến năm thứ mười trở đi khai thác trắng số tiền bán gỗ rừng thu về là lãi ròng. Tính trung bình mỗi năm trồng rừng FSC, hộ nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha, đây là một nguồn thu không nhỏ so với trồng các loại cây trồng khác cùng điều kiện thổ nhưỡng, canh tác.

Trong hai năm 2011 và 2012, thấy được hiệu quả mang lại, mô hình trồng rừng FSC cho nhóm hộ gia đình đã mở rộng cả về diện tích và số hộ gia đình tham gia. Trên địa bàn 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong, đã có 232 hộ với tổng diện tích rừng trồng được cấp FSC gần 600 ha. Năm 2013, dự án tiếp tục mở rộng đến nhiều địa phương với 17 nhóm hộ của 8 xã tham gia.

Đến nay toàn tỉnh có hơn 22.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Với những chỉ dấu tích cực trên, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020 có hơn 42.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.

Từ hiệu quả của việc trồng rừng theo chứng chỉ FSC, sản lượng gỗ được tăng lên, chất lượng gỗ được đảm bảo, tạo điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng. Theo tính toán mỗi năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt gần 500.000 m3 gỗ nguyên liệu.

Để đáp ứng mục tiêu sản xuất - kinh doanh cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung chuyển đổi hình thức kinh doanh rừng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng thông qua biện pháp quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trồng.
CÔNG ĐIỀN/ Nông nghiệp