Dạy nghề theo nhu cầu thực tế ‘chắp cánh’ kinh tế nông thôn
- Thứ hai - 03/08/2015 11:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những chuyển biến tích cực
Sau khi tham gia học lớp dạy nghề tại địa phương, anh Bùi Quang Qua (thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng nấm rơm tại nhà,
mở rộng lên hơn 200 mét vuông diện tích trang trại, tăng gấp 10 lần so với thời gian đầu, đem lại cho gia đình khoản thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa |
Được biết, 4 năm qua, huyện Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi đã mở 50 lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, trồng nấm, kỹ thuật nấu ăn, làm bánh tráng, nghề trồng cây kiểng cho trên 1.700 nông dân, góp phần tạo việc làm mới và việc làm thêm cho hơn 3.000 lao động/năm. Tại địa phương đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó không ít các sản phẩm tham gia triển lãm Fesstival hàng nông nghiệp, giúp người dân quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.
Phát huy hiệu quả bền vững
Những lớp đào tạo nghề theo đề án 1956 đã nâng cao trình độ tay nghề, giúp học viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh; Cách dạy cầm tay chỉ việc, gắn dạy nghề với nhu cầu thực tế đã phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho người nông dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Ảnh minh họa |
Mới đây, ban chỉ đạo đề án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã giám sát việc thực hiện đề án tại các địa phương trong tỉnh. Kết quả cho thấy đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo ra bước chuyển tích cực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Kết quả, sau 4 năm thực hiện, toàn tỉnh có hơn 14.200 người được đào tạo nghề, đạt trên 100% kế hoạch. Trong đó, 10.000 người hoàn thành chương trình học; 8.700 người có việc làm sau đào tạo, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Với nhóm ngành nghề phi nông nghiệp, phát huy hiệu quả rõ rệt là may công nghiệp, đan bàn ghế giả mây và đan giỏ lục bình. Ở nhóm nghề nông nghiệp, có các nghề chăn nuôi heo, bò sữa, bò thịt; trồng tiêu, bon sai, cây kiểng tạo việc làm nhanh, thu nhập ổn định…
Trong 5 năm (2010 - 2014), tỉnh Bắc Kạn cũng đã tổ chức đào tạo nghề được cho hơn 13.000 người, trong đó có 10.355 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo nguồn kinh phí trung ương cấp cho tỉnh, 1.777 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết 30a và hơn 2.200 người được hỗ trợ đào tạo nghề do Tổng cục Dạy nghề tổ chức và chương trình hỗ trợ lao động nông thôn là phụ nữ học nghề.
Tổng kết 5 năm thực hiện, Bắc Ninh có hơn 110 nghìn lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 39.000 người được hỗ trợ theo Đề án 1956, trên 70% có việc làm sau học nghề…
Bài học rút ra từ nhiều địa phương cho thấy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đề án 1956 các địa phương cần điều tra cụ thể nhu cầu thực tế của người dân, của địa phương, xác định được đầu ra cho ngành nghề đào tạo. Để đề án có hiệu quả sâu rộng cần có một lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Hơn bao giờ hết, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền một cách đồng bộ, quyết tâm để phát triển kinh tế từng gia đình và xây dựng đề án nông thôn mới tại mỗi địa phương.
M.M(tổng hợp)
Theo vietnamnet.vn