Để NNHC đem lại HQ cao nhất: Cần sự vào cuộc đồng bộ của mọi nhà

Để NNHC đem lại HQ cao nhất: Cần sự vào cuộc đồng bộ của mọi nhà
Để sản xuất NNHC đem lại hiệu quả cao, không phải là một “phong trào”, rất cần ngành chức năng sớm ban hành Bộ Quy chuẩn quốc gia chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
tr8.jpg

“Thực phẩm hữu cơ” (organic) đang là lựa chọn hàng đầu của những thị trường giàu có như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, một số thị trường thuộc EU và những gia đình có thu nhập khá và cao ở những thành phố lớn trong nước bởi những lo ngại về thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất mang đến bệnh tật. Đây là lý do để sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ngày càng mở rộng diện tích và trở thành xu hướng nhiều triển vọng không chỉ ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất NNHC ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh, vừa để phục vụ xuất khẩu vừa để phục vụ thị trường nội địa với tầng lớp khá – giàu tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2001, cả nước mới có 38 nông trại hữu cơ, năm 2009 con số này là 1.022. Tuy nhiên, tổng diện tích sản xuất NNHC vẫn còn thấp, tính đến năm 2013 chỉ khoảng 23.400ha, chiếm 0,23% diện tích sản xuất nông nghiệp Việt Nam (IFOAM, 2013). Đến năm 2017, ở nước ta, mô hình canh tác hữu cơ có ở 33 tỉnh, thành phố với khoảng 80.000ha, tốc độ tăng trưởng khá cao những năm gần đây.

Sản xuất NNHC chắc chắn sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa khi mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành ưu tiên tạo điều kiện về mọi mặt (đất đai, tiền vốn, tiếp cận khoa học công nghệ, xây dựng thể chế cho sự liên kết nhà nông- doanh nghiệp,…) để NNHC phát triển. Điều này thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm, làm việc với các địa phương, các bộ ngành liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các diễn đàn, hội nghị lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng trực tiếp chủ trì, như: nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất rau củ quả,  NNHC, dược liệu, tôm và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long... Tại các buổi làm việc, các diễn đàn, các hội nghị này, Thủ tướng đều đưa ra yêu cầu rất cụ thể và đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải có hành động cụ thể. Đặc biệt, Thủ tướng luôn nhấn mạnh: Sản xuất phải trên cơ sở nắm chắc thị trường, phải gắn với thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta, hiểu về NNHC của đa số người tiêu dùng chưa đầy đủ, nhiều người hiểu chưa đúng, và chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm hữu cơ. Cụ thể, hầu hết người tiêu dùng không biết cách nhận biết TPHC thông qua các chứng chỉ, nhãn hiệu, và đặc điểm sản phẩm TPHC. Do vậy, xuất hiện tình trạng nhiều sản phẩm TPHC giả trà trộn trên thị trường. Nếu không quản lý tốt, điều này sẽ làm người tiêu dùng mất niềm tin, khiến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ thua lỗ.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện là Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về NNHC: Trước năm 1920, trên thế giới, cơ bản là sản xuất NNHC (ở Việt Nam là trước năm 1954). Đó là NNHC truyền thống. Còn hiện nay, NNHC là sự kết hợp giữa NNHC truyền thống với những vật liệu mới (hệ thống sản xuất đồng bộ dựa vào tự nhiên, mô phỏng tự nhiên, dựa vào quá trình bảo vệ môi trường đất, nước, bảo vệ đa dạng sinh học,…). Chỉ được sử dụng hóa chất cho phép, không dùng giống biến đổi gen, chất điều hòa sinh trưởng, kháng sinh và chất tăng trưởng. Phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Sức khỏe – Sinh thái – Công bằng – Cẩn trọng. Và mục tiêu chính của NNHC là bảo vệ môi trường, trong đó có an toàn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe người tiêu dùng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ phát triển.

Thực tế cho thấy, sản xuất NNHC chi phí cao hơn sản xuất theo phương thức thông thường, bởi chỉ riêng việc xin cấp chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Hiện các doanh nghiệp của ta phải xin cấp chứng nhận của nước ngoài) cũng phải chi phí không nhỏ. Vì vậy, khi tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ, nhà nông và doanh nghiệp cần nhận biết rõ khách hàng chính và hiểu rõ những yếu tố tác động đến việc mua sản phẩm của họ. Cụ thể, người sản xuất, kinh doanh phải nắm bắt đúng nhu cầu thị trường.

Để sản xuất NNHC đem lại hiệu quả cao, không phải là một “phong trào”, rất cần ngành chức năng sớm ban hành Bộ Quy chuẩn quốc gia chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Thứ hai, cần truyền thông rộng rãi để người tiêu dùng hiểu đúng và biết nhận biết về thực phẩm hữu cơ. Thứ ba, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ (Organic) để hạn chế việc “treo đầu dê, bán thịt chó”. Thứ tư, mong các ngành chức năng sớm xây dựng khung pháp lý cho thực phẩm hữu cơ để có cơ sở bảo vệ người tiêu dùng. Thứ năm, các nhà nông, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần liên kết lại để cùng nhau xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ Việt.

 Thanh Hiền/ Kinh tế nông thôn