Để đội tàu “sáu bảy” khai thác hiệu quả

Để nguồn vốn cho vay sử dụng tàu cá được hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp xúc và giúp ngư dân hiểu về những lợi ích của phương thức sản xuất mới, đặc biệt là triển khai mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo liên kết đầu ra, đầu vào cho ngư dân, đảm bảo việc khai thác có hiệu quả.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) mở ra cơ hội cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Điều này không những tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế biển mà còn giúp ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống.

Thêm cơ hội vay vốn cho ngư dân

Kể từ khi chính sách phát triển thủy sản được ban hành và sau đó điều chỉnh bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM quyết liệt triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ và đã đạt được những kết quả tích cực.

Việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa các NHTM và ngư dân ngày càng tăng mạnh. Từ 329 con tàu cuối năm 2015, đến hết năm 2016 các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 823 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 8.195 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 6.513 tỷ đồng, dư nợ đạt 6.481 tỷ đồng.

Cần phát triển mạnh đội tàu hậu cần để phát huy tốt tàu “sáu bảy”

Kết quả này cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các NH trong triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng có hỗ trợ lãi suất của Nhà nước để đóng những con tàu lớn, hiện đại vươn khơi xa bám biển làm kinh tế.

Trong quá trình triển khai, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh như quy định thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67. Trên cơ sở báo cáo của NHNN, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép kéo dài việc thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 67 đến hết năm 2017. Hiện NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NHTM tiếp tục thực hiện chính sách cho vay này.

Theo ông Phạm Huy Cận, Giám đốc Agribank Nam Định, việc Thủ tướng Chính phủ gia hạn thêm 1 năm với chính sách cho vay này đã tạo điều kiện cho các hợp đồng còn triển khai dang dở tiếp tục thực hiện, đồng thời tạo cơ hội vay vốn cho ngư dân. Qua đó, họ cũng thấy được sự hỗ trợ tối đa từ phía Chính phủ, ngành NH về chính sách cho ngư dân vay vốn.

Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản thì do việc thiết lập quy trình thủ tục, xét duyệt đối với triển khai Nghị định 67 mất nhiều thời gian nên năm đầu tiên giải ngân vốn còn chậm. Do đó, việc tăng thời gian hiệu lực với chính sách cho vay đóng tàu cũng là hợp lý, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn trọn vẹn và hiệu quả hơn. Ông Cận cũng cho biết, tỉnh Nam Định hiện nay đã hạ thủy một số con tàu, trong đó vốn cho vay từ Agribank là 4 con tàu đã được hạ thủy và ngư dân vươn khơi đánh bắt rất hiệu quả.

Kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy, để đảm bảo tổ chức, cá nhân vay vốn hiệu quả, mỗi lần duyệt cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 Ban Chỉ đạo cho vay theo Nghị định 67 đánh giá năng lực từng đối tượng một để đầu tư. Cơ bản là đối tượng chủ tàu là đối tượng nào. Nếu cho những người có kinh nghiệm nhiều năm về đánh bắt thủy sản thì họ biết đâu là nơi để khai thác được, mức độ đầu tư thế nào cho phù hợp để đảm bảo khả năng trả nợ. Chẳng hạn, theo ông Cận, Agribank Nam Định hiện nay đầu tư mấy con tàu tương đối tốt, lợi nhuận các ngư dân thu về rất cao nên có khi chỉ hơn 5 năm là người vay có thể trả hết nợ NH.

Tàu lớn vươn khơi hiệu quả

Có thể thấy ngư dân trên địa bàn các tỉnh ven biển rất phấn khởi đón nhận chủ trương theo Nghị định 67. Tuy nhiên ở một số tỉnh, thành phố chưa có sự liên kết giữa các tổ, đội tàu dịch vụ hậu cần với các tàu đánh bắt xa bờ theo chuỗi sản xuất: khai thác - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Điều này dẫn tới thực tế là các NHTM sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền và không thể cho vay vốn lưu động mà không có tài sản đảm bảo.

Lãnh đạo một chi nhánh NHTM cho biết, cũng không tránh được việc có trường hợp những DN, người dân chưa có kinh nghiệm trong đánh bắt thủy hải sản, khi Chính phủ có chính sách ưu đãi thì họ tận dụng vay. Và do chưa có kinh nghiệm trong đánh bắt xa bờ, năng lực vận hành tàu yếu nên khó mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, việc đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn đòi hỏi trình độ của ngư dân cũng phải được nâng lên. Nhưng điều này cũng không phải dễ dàng vì hiện nay còn thiếu các lớp đào tạo, tập huấn cho ngư dân.

Các NHTM cho rằng, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển đều có Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, nên cần phải phát huy hết khả năng của Ban này. Nhất là phải tích cực tiếp cận và tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các quy định mới tại Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 của Chính phủ, đặc biệt là các vấn đề về máy cũ, cho vay vốn tự có...

Do đó, các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý kỹ thuật (Đăng kiểm tàu cá) cần công bố một số mẫu thiết bị, máy thuỷ, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với Nghị định 67, hoặc các hãng sản xuất, nhập khẩu các loại máy móc, phụ kiện để phía NH và ngư dân có thể dễ dàng nhận diện trong việc đầu tư, quản lý.

Ngoài ra, để nguồn vốn cho vay sử dụng tàu cá được hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp xúc và giúp ngư dân hiểu về những lợi ích của phương thức sản xuất mới, đặc biệt là triển khai mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo liên kết đầu ra, đầu vào cho ngư dân, đảm bảo việc khai thác có hiệu quả. Đẩy mạnh hơn việc phối hợp giữa NH và cơ quan đảm bảo an ninh biển, giúp NH dễ dàng hơn trong giám sát tài sản đảm bảo ở các bến tàu…