Để du lịch nông nghiệp trở thành lợi thế
- Thứ ba - 16/10/2018 23:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những tín hiệu tích cực ...
Theo Tổng cục Du lịch, thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã triển khai đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có khá nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: trải nghiệm vườn rau thủy canh, trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, trải nghiệm trang trại nho Ninh Thuận; du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Một số tua điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như tua thăm mô hình làng quê Yên Ðức (Quảng Ninh), tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), hay du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn. Một số tua du lịch đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Nam như: Một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế; du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh…
Có thể thấy tiềm năng và hiệu quả của du lịch nông nghiệp qua khai thác ở một số điểm đến như điểm du lịch làng quê Yên Đức, xã Yên Đức của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) do Công ty CP du lịch Sen Á Đông đầu tư xây dựng. Đây là địa điểm trải nghiệm làng quê có sức hấp dẫn khá đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Sau gần bảy năm, hiện nay, mô hình du lịch này đã mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường. Đến Khu du lịch làng quê Yên Đức, du khách được tận hưởng phong cảnh thanh bình, yên ả của làng quê thuần nông và được trải nghiệm công việc đồng áng, đời sống thường nhật của bà con nông dân. Điều thú vị là giờ đây chính họ đã trở thành những hướng dẫn viên thân thiện, mến khách, giới thiệu đến du khách những nét đẹp truyền thống của quê hương. Hiện mỗi năm, Khu du lịch làng quê Yên Đức đón khoảng 30.000 lượt khách... Điểm du lịch của ông Nguyễn Bé Tư, chủ homestay “Tư Cá linh” rộng khoảng 3 ha ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cũng là một điển hình tiêu biểu của du lịch nông nghiệp. Sau khi học tập các mô hình, ông đã mạnh dạn quy hoạch 3 ha ruộng sen để hình thành Khu du lịch nông nghiệp đồng sen phục vụ du khách. Những căn nhà lá được ông xây dựng ngay trên ruộng sen là nơi để du khách tận hưởng thiên nhiên, cảnh đồng quê, không khí trong lành, nghe tiếng chim hót… Du khách được cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với những người nông dân Đồng Tháp Mười hiền hòa, mến khách...
Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa, đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại những cộng đồng khó khăn. Đó là những tín hiệu tích cực bước đầu, nhưng để nâng tầm du lịch nông nghiệp, còn rất nhiều việc phải làm.
Khai thác sự khác biệt để đột phá
Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), nhu cầu du khách muốn tham quan, trải nghiệm du lịch nông trại, miệt vườn tăng từ 20 tới 30% mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lắp, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng về thương hiệu. Các địa phương hầu như chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Bởi vậy, trong hơn nửa năm qua, Tổng cục Du lịch cùng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về du lịch nông nghiệp, một hướng đi mới của du lịch Việt Nam.
Theo dự báo, trong vòng vài năm tới, mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam sẽ rất phát triển. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xác định là một trong năm dòng sản phẩm chủ đạo. Để du lịch nông nghiệp trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp phải được tổ chức một cách khác biệt… Việc lựa chọn xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp phải khai thác được sự khác biệt; tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của từng vùng quê, có tính hấp dẫn cao với du khách; và quan tâm đến chất lượng và giá cả dịch vụ, vấn đề vệ sinh môi trường… Cùng với khôi phục bản sắc văn hóa ở các vùng nông thôn, du lịch nông nghiệp phải hướng đến sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sản phẩm và nhân lực tại chỗ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có lợi ích của người nông dân trực tiếp tham gia.
Các chuyên gia ở Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp xây dựng, triển khai mô hình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa vùng miền để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn gắn kết với hệ thống dữ liệu thông tin của ngành du lịch cả nước. Thời gian tới, cần sự liên kết chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học để góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp cũng như đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch, xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp; liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp… là rất quan trọng để đưa du lịch nông nghiệp đột phá.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành du lịch, giữa doanh nghiệp lữ hành, trang trại, nông dân… trong phát triển du lịch nông nghiệp. Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống... Bên cạnh đó, cần phải chọn lọc và đầu tư bài bản, xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng có tính khác biệt, điểm nhấn của từng địa phương.