Để lúa gạo tiếp tục là “cần câu” của nông dân
- Thứ ba - 04/11/2014 04:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bên cạnh đó là sự bất hợp lý về việc chia lợi nhuận: Trong khi nông dân phải đầu tư 2/3 chi phí nhưng chỉ được hưởng gần một nửa giá trị sản phẩm nông sản làm ra, thì khâu dịch vụ (thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu gạo) được hưởng đến một nửa giá trị trong chuỗi sản xuất, mà chỉ phải bỏ ra 1/3 chi phí đầu tư.
Gắn bó với nghề trồng lúa hơn 20 năm qua, lão nông Trương Văn Tài, ở xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang chia sẻ: Sản xuất lúa, gạo chủ yếu lấy công làm lãi, vì ngoài việc “trông trời, trông đất, trông mây”, “điệp khúc được mùa mất giá”, nông dân còn thường xuyên đối mặt với những nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao, trong khi đầu ra tiêu thụ bấp bênh, nhiều lúc còn bị ép giá bởi thương lái và doanh nghiệp thu mua gạo.
Ông Tài chia sẻ: “Thu nhập từ lúa còn bấp bênh, đầu ra tiêu thụ gặp nhiều khó khăn còn bị thương lái ép giá. Nông dân cần doanh nghiệp có năng lực đầu tư các yếu tố đầu vào cho nông dân, có khả năng tham gia xuất khẩu để nông dân ký hợp đồng cũng như bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất…”.
Sự gia tăng lúa gạo trong hơn 20 năm qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Cụ thể, từ mức xuất khẩu gạo khoảng 2 triệu tấn năm 1995, sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên mức 3,48 triệu tấn vào năm 2000, và khoảng 8 triệu tấn vào năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu gạo cũng tăng từ mức 854 triệu USD năm 1996 lên mức 3,6 tỷ USD vào năm 2012.
Thế nhưng, khi sản lượng lúa càng tăng thì thu nhập của nông dân càng giảm bởi chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… kèm theo đó là nguy cơ đất trồng bị thoái hóa và ô nhiễm môi trường tăng cao.
Đặt người sản xuất làm trung tâm kinh tế ngành
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trưởng nhóm nghiên cứu “Cấu trúc lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ” thuộc Liên minh Nông nghiệp cho rằng, yếu tố then chốt quyết định các vấn đề của ngành lúa, gạo hiện nay là thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu.
Điều này dẫn tới hệ quả như: Sự khai thác tối đa tài nguyên đất, thiếu chọn lọc về giống và chất lượng… đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo.
Ông Thành nêu ý kiến: Cần đặt vấn đề trong cả chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay nên lấy ai là nền tảng định hướng và chi phối. Theo chúng tôi hiểu, các nhà xuất khẩu là những người chi phối rất mạnh chuỗi sản xuất.
Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi đưa ra khuyến nghị là nên chú trọng đầu tư vào những nhà máy xay xát, khu vực xay xát. Bởi vì đây là khu vực được hình thành tự nhiên từ các vùng trồng lúa, có khả năng tích lũy và ứng phó linh hoạt rủi ro của thị trường vì có thông tin về cả đầu vào nguyên liệu và đầu ra tiêu thụ, đồng thời cũng là nơi khu vực kinh tế tư nhân có thể tham gia.
Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp mà Việt Nam hiện có, việc sản xuất ra sản lượng bao nhiêu, xuất khẩu với khối lượng như thế nào không quan trọng bằng việc lợi nhuận trong sản xuất thu được là bao nhiêu, và trong chuỗi sản xuất đó, người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng lợi ích như thế nào.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực-cây thực phẩm, trong xu thế hội nhập hiện nay, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cần phải thay đổi. Trong đó, những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo là những việc cần làm ngay. Bên cạnh đó cần tăng cường nâng cao vị thế của nông dân trong cấu trúc của thị trường lúa gạo.
Ông Thế Anh cho rằng: “Liên quan đến cấu trúc thị trường lúa gạo, nông dân hiện nay chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, năng suất lao động thấp. Đây là các yếu tố dẫn đến xét về góc độ kinh tế khiến nông dân thiệt thòi. Vấn đề giải quyết thời gian tới là phải tăng cường hỗ trợ nông dân. Nếu muốn xuất khẩu nông dân phải chuyên nghiệp hơn không phải như hiện nay là tự quyết, không có thông tin thị trường. Mấu chốt quan trọng ở đây là hình thành các tổ hợp tác, liên kết nông dân để cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị lúa, gạo”.
Việc sản xuất lúa gạo từng là “chiếc cần câu cơm” của đại đa số nông dân Việt Nam. Không dễ gì để xa rời chiếc “cần câu” gắn bó với cả một bề dày lịch sử như vậy. Nhưng để người nông dân tiếp tục giữ và thiết tha với nó, cần một tư duy và những hành động khác: Đó là đặt nông dân vào trọng tâm của kinh tế ngành nông nghiệp.
Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong “Đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hướng đến.