Để ngành mía đường đủ sức hội nhập: “Thương cho roi cho vọt”
- Thứ ba - 06/09/2016 23:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên từng bước tháo bỏ lá chắn bảo hộ cho ngành mía đường.
Ai hưởng lợi?
Sẽ chẳng quá lời nếu nói nông dân trồng mía thuộc nhóm khổ nhất. Mang tiếng là ngành được bảo hộ cao nhất, dài nhất nhưng bản thân cây mía lại không hề được hưởng chính sách này. Cây lúa đến mùa thu hoạch, giá thấp còn được nhà nước mua tạm trữ nhưng mía thì không, dù giá giảm đến bao nhiêu. Đây chính là lý do mía luôn rơi vào tình trạng bị ép giá và người trồng mía không thể thoát được tình trạng thua lỗ, nghèo khổ. Giá mía thấp, giá đường cao, đó là nghịch lý tồn tại hàng thập niên qua tại Việt Nam. Nghịch lý này dẫn đến hậu quả là cuộc sống của hàng vạn người trồng mía luôn bấp bênh và khốn khó.
Chính sách bảo hộ là để hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) và cơ quan có thẩm quyền trong ngành mía đường có thời gian đầu tư kỹ thuật, đưa công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu giống tốt, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân… Để khi mở cửa, ngành mía đường trong nước sẽ đủ sức cạnh tranh với đường ngoại. Nhưng thay vì như vậy, các DN đường trong nước lại tận dụng tối đa chính sách bảo hộ để thu lợi cho mình.
Đây là một thực tế không thể chối bỏ. Bao năm qua, trong khi người trồng mía nghèo hoàn nghèo, người tiêu dùng và các DN chế biến thực phẩm phải mua đường với giá cao thì các DN sản xuất đường vẫn lãi lớn. Báo cáo tài chính của 6 công ty mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế, bất chấp những than phiền “đến hẹn lại lên” của ngành này, năm nào họ cũng thu vào hàng chục, thậm chí hơn 100 tỉ đồng lợi nhuận.
Tỏ rõ sự ngao ngán, TS. Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Thương mại cũ, nay là Bộ Công Thương) nói, đã ngót 2 thập niên được nhà nước dành cho nhiều sự bao bọc, ưu ái nhưng ngành đường trong nước không tận dụng được để lớn mạnh. Mục tiêu của chính sách bảo hộ là phải hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, người nông dân và DN. Trong đó, lợi ích người tiêu dùng là cái chung mà toàn xã hội phải có trách nhiệm. Nhưng với ngành mía đường, lợi ích người tiêu dùng không được quan tâm, lợi ích của người trồng mía được sử dụng như một “bảo bối” cho những đòi hỏi, yêu sách. Chỉ có lợi ích của DN chế biến đường là được tập trung.
“Kinh nghiệm cho thấy, với bất kỳ nông sản nào cũng cần cả một quá trình. Có thể mùa này bù mùa kia, vụ này lời, vụ kia lỗ, chứ không phải năm nào cũng thắng vì nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu… Nhưng kết quả chung là phải đi lên, phải phát triển. Ngành đường cũng vậy, hiệp hội, DN phải cùng nông dân, dìu dắt họ, chia sẻ lợi ích với họ để cùng đi lên. Nhưng đã 2 thập niên mà không giải quyết được thì đó là một sự trì trệ. Theo tôi là có tội với lịch sử”, TS. Hoàng Thọ Xuân bức xúc.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải tạo sức ép lên các DN sản xuất mía đường để họ đổi mới. Trong trường hợp họ vẫn chây ì, vẫn thụ động thì cũng cần thiết phải có một cuộc đào thải. Ngành mía đường khi ấy sẽ được tái cơ cấu lại theo hướng tốt hơn. “Ngành mía đường trong nước cho đến lúc này đã rất bất lợi so với các nước trong khu vực. Liệu từ nay cho đến khi chúng ta phải thực hiện cam kết với Cộng đồng chung ASEAN, họ có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không? Tôi khẳng định là bất khả thi. Vì vậy, nên từng bước tháo bỏ lá chắn bảo hộ”, ông Doanh nói.
Thành công của Thái Lan đến từ đâu?
Tại cuộc hội thảo quốc tế về ngành mía đường được tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây, ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers đã công khai những chính sách và giải pháp kinh tế làm cho Thái Lan hơn hẳn Việt Nam trong sản xuất mía đường.
Hiện nay, giá 1 kg đường bán lẻ của Thái Lan chỉ có 60 cent (tương đương 12.000 đồng). Ông Rangsit khẳng định, giá đường của Thái Lan hiện nay rẻ nhất châu Á.
Thái Lan là nước sản xuất đường nhiều nhất ASEAN với 13 triệu tấn đường và là nước duy nhất xuất khẩu ròng mặt hàng đường. Ngay cả Việt Nam, tuy là nước sản xuất đường nhưng cũng phải nhập khoảng 420.000 tấn đường mỗi năm.
Điều gì đã làm cho Thái Lan trở thành một trong những nhà xuất khẩu đường nhiều nhất thế giới? Thành công này không thể không kể đến sự hỗ trợ triệt để của chính phủ nước này với các chính sách phát triển ngành đường. Nỗ lực này được thể hiện bằng việc ban hành Đạo luật Mía Đường vào năm 1984.
Sau khi Đạo luật được ban hành, sản lượng mía đường của Thái Lan tăng dần theo các năm và đến mùa vụ 2014-2015, Thái Lan thu hoạch được 94 triệu tấn mía và sản xuất được 13 triệu tấn đường, so với khoảng 10 triệu tấn mía và 2 triệu tấn đường vụ mùa 1983-1984.
Đạo luật Mía Đường 1984 nêu rõ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ba bên: nông dân, doanh nghiệp và chính phủ. Nền tảng của bộ luật này bao gồm việc phân rõ mức chia lợi nhuận giữa người trồng mía/doanh nghiệp là 70/30, kiểm soát giá đường trong nước ở mức thấp (23,5 baht/kg đường trắng và 22,5 baht/kg đường tinh), phân bổ hạn ngạch sản xuất đường dùng trong nước và đường xuất khẩu đến từng nhà máy.
Thái Lan cũng phải đối mặt với những vấn đề như dân số phát triển quá nhanh, biến đổi khí hậu và tình trạng sâu bệnh đe doạ sự phát triển của ngành mía đường. Do đó, chính phủ nước này xác định cần có những biện pháp cung cấp nguyên liệu bền vững và phát triển công nghệ tinh luyện nhiên liệu sinh học để đối phó với thay đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu và năng lượng.
Bằng việc xúc tiến quan hệ đối tác công tư, Thái Lan đã có ngành mía đường tăng trưởng toàn diện, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chương trình này áp dụng các biện pháp phát triển thuỷ lợi, cơ giới hoá, đa dạng hoá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu và phát triển giống mới để theo đúng lộ trình phát triển ngành mía đường của chính phủ.
Ngoài đường, Thái Lan còn tận dụng được cây mía để tạo ra các phụ phẩm như ethanol, các loại a xít và men dùng trong chế biến thực phẩm, sử dụng bã mía làm nguồn năng lượng sinh học... Đặc biệt, Thái Lan tập trung đẩy mạnh sản xuất ethanol từ mía với mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sinh học, trong đó ethanol chiếm đến 25% vào năm 2064. Hiện nay, Thái Lan sản xuất được 3,5 triệu lít ethanol/năm. Mục tiêu là sản xuất được 7 triệu lít/năm vào 2026 và 11,3 triệu lít/năm vào 2035.
Thành công của ngành mía đường Thái Lan là do chính phủ có tầm nhìn dài hạn, liên tục đổi mới và phát triển, phối hợp chặt chẽ giữa các bên công - tư và có sự liên thông giữa các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị kinh tế sinh học. Chúng ta có thể nghiên cứu bài học từ Thái Lan để có những biện pháp triệt để nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong khu vực và thế giới của ngành mía đường.
Phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu
Xét về chủ trương, cần khách quan rằng, Nhà nước luôn quan tâm quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ ngành mía đường phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, Nhà nước bảo hộ phát triển ngành mía đường bằng hàng rào thuế quan cao khi đàm phán các hiệp định tự do thương mại.
Thước đo thành công trong hội nhập, yếu tố quyết định là năng lực phát triển, sức cạnh tranh (tức nội lực). Tuy nhiên, hiện ngành mía đường Việt Nam có sức cạnh tranh yếu so với các nước, nguyên nhân chủ yếu do năng suất, chất lượng mía thấp, giá thành sản xuất nguyên liệu cao hơn nhiều so với các nước. Việc hội nhập từng bước theo lộ trình sẽ là động lực thúc đẩy đổi mới. Việc đổi mới này phải do cả các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội và các DN mía đường cùng tham gia thực hiện.
Công suất trung bình 1 nhà máy đường ở Việt Nam là 3.250 tấn mía/năm, thấp hơn nhiều so với công suất trung bình của 1 nhà máy ở Thái Lan, Ấn Độ, Brazil là 7.000-8.000 tấn mía/năm. Năng suất mía trung bình thế giới là 70 tấn/ha, Việt Nam hiện chỉ đạt 65 tấn mía/ha. Ngoài ra, tỷ lệ chữ đường trong mía chỉ đạt khoảng 10%, trong khi Thái Lan là 12,9%.
Đã đến lúc ngành mía đường phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới; đầu tư phát triển giống và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất mía nguyên liệu; tăng cường thể chế và công cụ quản lý thương mại nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho thương mại chính đáng đối với sản phẩm mía đường...
Thêm vào đó, Nhà nước cần hỗ trợ DN mía đường xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng đường toàn cầu; khuyến khích phát triển công nghiệp sử dụng sản phẩm từ ngành mía đường; hỗ trợ DN đường ứng phó với các biện pháp hạn chế thương mại mới tại các thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại quốc tế, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, phát triển đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc sâu vào các thị trường khu vực, đặc biệt là mở thị trường lớn như EU…
Người xưa có câu “thương cho roi cho vọt”, câu nói này thật đúng với thực trạng ngành mía đường hiện nay, chỉ có cách tạo sức ép, xóa bỏ bảo hộ… thì cán cân lợi ích mới ngang bằng giữa các “nhà”.
Loan Nguyễn (tổng hợp)
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn