Để người dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất

Áp lực tích tụ ruộng đất (TTRĐ) đang đặt ra cấp bách bởi tổ chức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện hết sức phân tán và tự phát. Cả nước có 14 triệu hộ nông dân và chưa đầy 1% doanh nghiệp cả nước sản xuất trên khoảng 70 triệu thửa đất, tuy nhiên nông dân đang gặp nhiều khó khăn về sinh kế vì hạn chế đầu tư.
Áp lực tích tụ ruộng đất đang đặt ra vấn đề cấp bách. Ảnh: PV


Khó khăn về sinh kế

Tổng diện tích hơn 10 triệu hécta đất nông nghiệp (chưa kể đất lâm nghiệp), trung bình mỗi thửa đất nông nghiệp chỉ rộng 0,14ha; hơn 80% hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha và trên 4 thửa/1 hộ, nhưng đang gặp nhiều khó khăn về sinh kế vì hạn chế về đầu tư, trình độ công nghệ và khép kín chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nông nghiệp …

Nhìn từ góc độ quyền sử dụng (QSD) đất thì TTRĐ là việc mở rộng diện tích trong kinh doanh nông nghiệp có hoặc không gắn với quá trình chuyển dịch sở hữu QSD đất của một hoặc nhiều chủ đầu tư.

Trên thực tế, TTRĐ có thể diễn ra theo nhiều hình thức cụ thể đa dạng và linh hoạt khác nhau; trong đó: “Mở rộng hạn điền” và “tăng quy mô giao, đấu thầu” QSD đất trực tiếp cho một chủ đầu tư theo dự án công do Nhà nước thực hiện là cách thức TTRĐ nhanh và mạnh nhất cả về lý thuyết, pháp lý và trên thực tế. “Dồn điền, đổi thửa” là hình thức tạo mặt bằng canh tác tập trung, tuy không làm tăng qui mô ruộng đất của nông hộ, nhưng cho phép xóa bỏ tình trạng phân tán, xé nhỏ của cách giao ruộng khoán “có gần có xa, có tốt có xấu” cho hộ xã viên của hợp tác xã kiểu cũ trước đây.

“Góp QSD đất” với nhau để thành lập HTX và tự nguyện cùng thống nhất “nuôi con gì - trồng cây gì” theo quy trình công nghệ và hợp đồng cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra được ký với doanh nghiệp hoặc pháp nhân khác là hình thức cho phép tăng thêm ưu thế quy mô QSD đất so với cách thức “Dồn điền, đổi thửa”. “Cho thuê, mượn QSD đất” bằng hợp đồng và thỏa thuận trực tiếp giữa nông dân với nhau hay với doanh nghiệp; hoặc chính quyền địa phương, HTX làm trung gian, ký thỏa thuận thu gom QSD đất với nông dân rồi tổ chức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khác thuê lại theo hợp đồng thời gian nhất định (thường là 10-20 năm); giá “quy gia thóc” (ví dụ, 60kg thóc/sào/năm) và các điều kiện bảo đảm khác đang và sẽ ngày càng mở rộng trong nhiều địa phương, lĩnh vực kinh doanh.

“Góp cổ phần bằng QSD đất”, nông dân “nhận tiền một cục” và có thể trở thành người lao động làm công ăn lương của doanh nghiệp trên chính mảnh đất của mình theo hợp đồng là cách thức khá mới mẻ đang được thực hiện suôn sẻ ở một số địa phương. “Chuyển nhượng QSD đất” trên cơ sở “mua đứt bán đoạn” tự nguyện theo giá thị trường giữa nông dân với nhau hoặc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang và sẽ là cách thức ngày càng lan rộng cùng với sự bùng nổ thị trường đất đai và thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập…

TTRĐ không phải là bần cùng hoá nông, tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp về ruộng đất của người dân, mà là để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ QSD đất của người dân, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, môi trường, an sinh xã hội và sự ổn định chính trị, sự đoàn kết và đồng thuận quốc gia và theo đúng định hướng XHCN mà Đảng ta đã nêu ra.

Để hộ dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất

TTRĐ chỉ được coi là thành công khi diễn ra tự nguyện, tự nhiên, phù hợp quy luật và điều kiện trình độ phát triển KT-XH chung trong nước và quốc tế; đảm bảo hài hòa lợi ích, gia tăng động lực phát triển đất nước nói chung, kinh tế nói riêng nhanh và bền vững hơn.

TTRĐ đang và sẽ tiếp tục phát triển cùng với phát triển nền kinh tế cả bề rộng và bề sâu. Trong số các hình thức TTRĐ trên, hình thức các hộ nông dân tự nguyện góp QSD đất và tổ chức hợp tác sản xuất, hoặc liên kết với doanh nghiệp theo hợp đồng chặt chẽ (nhất là về đầu tư vốn, máy móc, giống chất lượng cao, công nghệ và biện pháp thâm canh tiên tiến, bao tiêu sản phẩm) và được Nhà nước bảo hộ về pháp lý, hỗ trợ về hạ tầng và các chính sách đồng bộ khác…đang và sẽ là hình thức cho phép củng cố niềm tin của cả nông dân và doanh nghiệp, tăng cường được quản lý nhà nước, từng bước định hình và phát triển khép kín các chuỗi liên kết nông nghiệp trong tương lai.

Áp dụng linh hoạt các hình thức, hài hòa các mục tiêu, nhân rộng những mô hình hợp lý và hiệu quả, tránh duy ý chí hoặc thả nổi trong quá trình TTRĐ là cần thiết để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nói riêng, toàn bộ nền kinh tế-xã hội đất nước nói chung trong bối cảnh cần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế và bùng nổ cuộc cách mạng KHCN 4.0…!

Theo TS Nguyễn Minh Phong/laodong.com.vn