Để nông dân thích ứng biến đổi khí hậu

Để nông dân thích ứng biến đổi khí hậu
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức diễn đàn nông nghiệp “Nông dân Tiền Giang thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tham gia tái cấu trúc ngành nông nghiệp”…

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của “Hội trại về nguồn - Nông dân Tiền Giang, năm 2017”.  

Chưa tạo đột phá

Theo Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, thời gian qua việc triển khai các mô hình sản xuất áp dụng KHKT và biện pháp thâm canh lúa cải tiến “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; luân canh lúa và thủy sản; lúa và hoa màu… đã giúp nông dân không chỉ chủ động ứng phó với BĐKH mà còn thay đổi tư duy canh tác, khai thác bền vững môi trường.

10-28-54_nh-1-nh-vuon-chu-dong-p-dung-cc-bien-php-ung-pho-voi-bdhk
Nhà vườn chủ động áp dụng biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, thực tế việc nhân rộng để tạo thành xu thế đột phá đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Đồng thời, nông nghiệp địa phương cũng còn nhiều trở ngại trong quá trình phát triển do tập quán sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ khó liên kết, hợp tác hình thành chuỗi giá trị; khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho sản xuất. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tạo bước đột phá...

Bà Lưu Thị Phụng, PGĐ Sở KH-CN Tiền Giang cho rằng: “Thời gian qua, sự gia tăng ồ ạt về diện tích, năng suất và sản lượng trong nông nghiệp đã làm mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh, nông sản không đảm bảo chất lượng an toàn... Đặc biệt trong bối cảnh BĐKH hiện nay, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, việc định hướng nghiên cứu, chuyển giao KH-CN phục vụ nông nghiệp cần phải được ưu tiên hàng đầu".

 Nguyễn Ngọc Lý, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam: "Tác động của BĐKH đã làm thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Hội Nông dân các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và hướng dẫn nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các nhà khoa học, DN để liên kết SX, chuyển giao giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện BĐKH”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, TGĐ liên doanh Cty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Bạch Đằng đồng quan điểm, việc xây dựng mô hình sinh kế cho người dân thích ứng với tình hình BĐKH và ứng dụng KH-CN giải quyết những hạn chế trong sản xuất đang là giải pháp trọng tâm và cần được sự quan tâm.

“Hiện công ty chúng tôi đang phối hợp với hội nông dân của 5 tỉnh vùng ĐBSCL, trong đó có Tiền Giang, cung cấp giải pháp giúp bà con chủ động kiểm soát lượng phân bón cần thiết trong canh tác theo hướng bền vững. Chúng tôi cũng đưa ra quy trình cải tạo hiệu quả tình trạng ngộ độc hóa học đất do việc nông dân lạm dụng phân bón vô cơ trong nhiều năm qua khiến đất chai cứng, bạc màu”, bà Hằng chia sẻ.  

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, do BĐKH khiến hạn, mặn càng diễn ra gay gắt, lấn sâu vào nội đồng sớm và nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng ngọt hóa Gò Công.

Diện tích trồng lúa chiếm trên 83.000ha, trong đó cánh đồng lớn được hình thành với 16.000ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều DN chủ yếu tập trung vào thu mua và XK hàng hóa nông sản thô chưa qua chế biến và không có thương hiệu nên giá trị thấp.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất lúa ấp 4 Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy) cũng đánh giá rất cao việc tổ chức liên kết để xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Tổ hợp tác thành lập từ vụ ĐX 2015-2016 để phát triển cánh đồng lớn, từ 40ha lúc đầu tăng lên 150ha và đến nay là 250ha, được công ty lương thực Tiền Giang bao tiêu sản phẩm. Mô hình đã dần thay đổi tập quán sản xuất cũ sang canh tác tiên tiến, từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang cánh đồng lớn...".

10-28-54_nh-4-nong-dn-tich-cuc-thm-gi-vo-mo-hinh-cnh-dong-lon
Nông dân tích cực tham gia vào mô hình cánh đồng lớn

Đề cập đến thực trạng khó khăn trong mục tiêu phát triển kinh kế vườn, ông Trịnh Công Minh, PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Mặc dù cây ăn trái đang là thế mạnh của tỉnh, chiếm gần 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đang hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là khâu chế biến, mới chỉ đạt khoảng dưới 10% sản lượng trái cây toàn tỉnh. Hệ thống cơ sở chế biến đầu tư chưa tương xứng, chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như công nghệ mới.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân Tiền Giang cho biết, vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã ký kết với Sở KH-CN nhằm hỗ trợ nông dân triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH. Hội cũng sẽ tăng cường tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giúp bà con thực hiện cánh đồng lớn hiệu quả, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp hay nông dân “bẻ kèo” nhau như trước đây”.

Tác giả bài viết: MINH SÁNG

Nguồn tin: nongnghiep.vn