Để nông sản Việt có trên mọi kệ hàng thế giới?

Để nông sản Việt có trên mọi kệ hàng thế giới?
Báo cáo Tổng kết năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu (kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%.
tr8d.jpg

Báo cáo Tổng kết năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu (kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%, duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành.

Theo nhiều chuyên gia, đạt được kết quả trên là nỗ lực liên tục với tinh thần chủ động sáng tạo của nhiều cấp, nhiều ngành, mọi địa phương và mỗi nhà nông, nhà vườn, doanh nghiệp nông nghiệp. Đúng như 10 chữ  “Chủ động, Sáng tạo, Chung sức, Đồng lòng và Hiệu quả” Thủ tướng tặng ngành.

Trong đó, theo các chuyên gia, kết quả nổi bật mang tính bền vững là việc 17 dự  án ngành nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng đi vào hoạt động. Nhiều tin vui về mở cửa thị trường cho nông sản Việt. Nhiều vùng chuyên canh mới xuất hiện như Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng (tăng 2.756 doanh nghiệp, tương ứng tăng 25,3% so với năm 2018). Xuất khẩu chính ngạch tăng dần tỷ lệ. Việc tiếp cận tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm được nâng cao, vùng trồng được cấp mã vùng mở rộng, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng hình thành, mối liên kết 6 nhà theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp gỡ nông dân lần thứ nhất năm 2018, nhất là liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp đã hình thành và phát huy tác dụng, nhiều giống mới chất lượng cao được thế giới công nhận,…

Tuy nhiên, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, các chuyên gia đồng tình với những điểm yếu của ngành mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ. Theo đó, hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chưa theo kịp yêu cầu; công nghiệp chế biến phát triển chưa đều, sản phẩm chế biến chưa đa dạng; tổn thất sau thu hoạch còn cao; lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, kéo theo đó là năng suất lao động còn thấp.

Theo nhiều chuyên gia, để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao: Sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới (với những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn: đến 2025, mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3 - 3,5 %, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới. Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 HTX nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay) là điều không đơn giản bởi tổ chức sản xuất theo quy mô lớn chưa theo kịp thực tế, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất còn khó khăn, công nghiệp chế biến còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, cơ giới hóa sản xuất còn ở mức độ thấp, việc tích tụ và tập trung đất đai chưa được pháp luật thừa nhận, việc huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân, xã hội hóa còn thiếu những cơ sở pháp lý…

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao và để nông sản Việt có mặt trên mọi kệ hàng ở mọi quốc gia trên thế giới, trước hết, thể chế về đất đai, đầu tư tư nhân cần có tấm áo mới phù hợp với thực tế. Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ công nghệ giống và quy trình canh tác, tổ chức sản xuất quy mô lớn với sự tham gia mạnh mẽ của cơ khí và doanh nghiệp tư nhân. Thứ ba là, thu hút đầu tư tư nhân để nâng tầm công nghiệp chế biến trên cơ sở đa dạng sản phẩm. Và phải chú trọng việc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm.

 Hiền Trang/ https://kinhtenongthon.vn/