Để sản phẩm nông nghiệp vươn xa

Để sản phẩm nông nghiệp vươn xa

Khẳng định vị thế trên “sân nhà”

Ông Nguyễn Văn Vui, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thuỷ sản tỉnh, cho biết: Thông qua các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ, nông sản Quảng Ninh không chỉ được thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn đạt được một thành công quan trọng là khẳng định được chất lượng.

Sản phẩm hàu sữa của Công ty CP Chế biến sản xuất thuỷ sản Hạ Long nằm trong chương trình giám sát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Ảnh: Phạm Tăng
Sản phẩm hàu sữa của Công ty CP Chế biến sản xuất thuỷ sản Hạ Long nằm trong chương trình giám sát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Ảnh: Phạm Tăng

Có thể thấy, thời gian qua, Quảng Ninh không chỉ được nhìn nhận là địa phương có ưu thế về sản phẩm thuỷ sản tươi ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng khác như rau, gạo, trái cây, dược liệu... Đây sẽ là điều kiện để nông sản Quảng Ninh chinh phục thị trường nội tỉnh, nhất là phân khúc thị trường cao cấp. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh đã và đang hướng tới sản xuất nông nghiệp chất lượng cao khi lựa chọn canh tác tại các vùng địa hình tách biệt khu đô thị, sản xuất theo quy trình an toàn và áp dụng khoa học công nghệ về giống, phương pháp canh tác... Riêng đối với sản phẩm rau thuỷ canh của Công ty CP Đầu tư Song Hành (Quảng Yên) mặc dù mới thí điểm sản xuất, song đã được các bạn hàng lớn ở Lâm Đồng, vốn là trung tâm về rau của cả nước đánh giá cao cả về hình thức và chất lượng. Các loại rau này cũng phù hợp với nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn cao cấp tại Quảng Ninh, nhất là các khách sạn có đối tượng phục vụ chủ yếu là khách nước ngoài.

Theo nhận định của các đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phân khúc cao cấp tại thị trường nội tỉnh thực sự rất tiềm năng, nên cùng với việc tăng cường hợp tác, thâm nhập các thị trường tỉnh ngoài, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng nên hướng tới các đối tượng khách hàng cao cấp ngay trong nội tỉnh. Việc này sẽ lợi đôi đường, các doanh nghiệp nông nghiệp có được khách hàng ngay tại địa phương và giảm chi phí tiếp thị, vận chuyển so với khách hàng xa. Về phía đối tác cũng tiếp cận được nguồn nông sản chất lượng cao, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập ngoại tỉnh và đảm bảo chủ động về lượng cung ứng. 

Để đứng vững ở thị trường ngoại tỉnh

Chỉ tính năm 2016, tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc xúc tiến thương mại nông sản, kết nối người sản xuất nông nghiệp với các đơn vị thu mua nông sản lớn trong và ngoài tỉnh; đưa nông sản Quảng Ninh tham gia vào các hội chợ triển lãm, thâm nhập các thị trường tiêu thụ nông sản lớn trong cả nước, trong đó đặc biệt là thị trường Hà Nội.

Các sản phẩm tham gia kết nối đều được lựa chọn phải là những nông sản được sản xuất theo tiêu chí ưu tiên về chất lượng (theo quy trình an toàn VietGAP, quy trình sản xuất sạch...) hoặc thông qua các chuỗi sản xuất, sản phẩm OCOP, sản phẩm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được kiểm soát; các sản phẩm chế biến bao gói sẵn có nhãn hàng hoá theo quy định nên việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng, được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện ATTP... Nhờ vậy, nông sản Quảng Ninh luôn được thị trường ngoại tỉnh đánh giá cao và lượng tiêu thụ ngày càng lớn, nhất là tại Hà Nội.

Theo con số thống kê của Sở NN&PTNT, trong 2 năm 2015 và 2016, thông qua các đợt tổ chức hội chợ OCOP đã giới thiệu 121 sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trong đó có đến 101 nhãn sản phẩm là nông sản, 25 sản phẩm được xếp hạng phân loại sản phẩm từ 2 sao đến 5 sao. Trong 2 năm qua, cũng đã có 21 cơ sở sản xuất kinh doanh với 25 nhãn sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại các tuần lễ nông sản an toàn được tổ chức tại miền Bắc. Trong đó, hiện 14 cơ sở được quảng bá đã cung cấp sản phẩm thường xuyên cho 60 cửa hàng, đại lý, siêu thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm. Chỉ tính năm 2016, Quảng Ninh đã cung cấp trên 3.000 tấn nông sản vào Hà Nội, trong đó có trên 1.000 tấn chả mực, trên 1.000 lít dầu thực vật nguyên chất, cùng các loại nông sản đặc trưng vùng miền khác như miến dong, thịt lợn, nước mắm, thuỷ sản tươi sống, nấm linh chi, nếp cái hoa vàng, rau xanh... Mới đây, Sở NN&PTNT cũng đã kết nối được một số doanh nghiệp ở Hải Dương đến thu mua nông sản (rau, củ, quả, trứng gia cầm) ổn định cho các hộ sản xuất trên địa bàn... 

Có thể thấy, từ các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản, nông sản Quảng Ninh khẳng định được chất lượng, tiếp cận được với nhiều thị trường, đẩy mạnh lượng tiêu thụ, đây là tiền đề để hướng tới các thị trường tiềm năng hơn.

Tác giả bài viết: Việt Hoa

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn