Để 'sống' được sau khi học nghề

Để 'sống' được sau khi học nghề
Thực hiện Đề án dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nông dân học nghề được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: Miễn học phí, giới thiệu việc làm sau khi học xong nghề. Đối với các nghề cơ khí, may, trồng nấm, chăn nuôi… được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, người học nghề còn được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính xách xã hội để giải quyết việc làm. Đối tượng chính sách được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại, được cung cấp giáo trình và nguyên vật liệu thực hành miễn phí... Đó là những ưu đãi cần thiết dành cho dạy nghề và đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.

09-54-46_nh-det-tho-cm-o-bn-nu-yen-khe
Nghề dệt thổ cẩm ở nhiều tỉnh miền núi đang rất bí đầu ra

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, việc dạy nghề cho lao động nông thôn cũng đã bộc lộ không ít hạn chế: Số lao động sau học nghề tìm được việc làm đạt tỉ lệ thấp, nông dân không mặn mà với nghề, người lao động tốn tiền học, nhà tuyển dụng tốn tiền đào tạo, gây lãng phí không hề nhỏ tiền bạc, công sức, thời gian.

Nhiều người đã qua lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho biết, đến nay vẫn không thể hành nghề đã học do thiếu đất mở xưởng; kỹ năng, kỹ xảo chưa đáp ứng yêu cầu. Các nghề nông lâm, ngư nghiệp rủi ro cao, phải đối mặt với dịch bệnh và đầu ra sản phẩm khó khăn, đất sản xuất không có. Dần dà, nông dân không mặn mà với học nghề.

Để người lao động nói chung, người nông dân sống được sau khi được đào tạo nghề, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Thứ nhất, bố trí lại đội ngũ giáo viên dạy nghề. Thực tế cho thấy hiện nay đội ngũ giáo viên tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề hầu hết từ giáo viên dạy văn hóa chuyển sang, từ các trường đại học sau khi tốt nghiệp về công tác nên kỹ năng nghề nghiệp không có, đa số chỉ dạy lý thuyết, còn thực hành lúng túng cho nên không bắt đúng “bệnh” để sửa chữa. Và khi thầy không giỏi làm sao có trò giỏi được?

Theo chúng tôi tại các trường nghề chỉ nên để lại bộ khung vài ba người làm công tác quản lý, còn giáo viên nên hợp đồng với những thợ bậc cao hoặc lấy từ các cơ sở tư nhân có tay nghề cao, chuyên môn sâu. Đồng thời đổi mới trang thiết bị dạy học vốn đã lạc hậu…

Thứ hai, tăng thời gian đào tạo nghề cho nông dân. Thực tế cho thấy, với thời gian đào tạo 3 tháng như hiện nay, người lao động rất khó kiếm được việc làm. Bởi mỗi khóa học chỉ kéo dài 3 tháng nên tay nghề chưa sâu, đặc biệt đối với người học nghề nông nghiệp, học xong chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế gia đình, thực tế không có nơi tiếp nhận.

"Làm gì để nông dân sống được sau khi học nghề?". Câu hỏi nghe đơn giản nhưng thực tế đang làm cho các trường nghề đau đầu. Người viết bài này xin mạo muội đề xuất các phương án trên và rất mong các nhà hoạch định chính sách lao động nghiên cứu.

Các nghề phi nông nghiệp như dệt, may, thú y, cơ khí… cũng chỉ để phục vụ trong gia đình, rất khó đứng ra mở xưởng. Theo chúng tôi nên tăng thời gian đào tạo nghề lên 6 tháng đến 1 năm và cần đầu tư thời gian lớn cho việc thực hành trên máy và thực tế trên đồng ruộng, để người học mắt thấy và làm theo, chứ không dạy nặng về lý thuyết.

Thứ ba, cần sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở các huyện miền núi thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức. Phát triển kinh tế hiện nay là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi địa phương. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải quy hoạch phát triển kinh tế, tính toán đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Mỗi địa phương phải phối hợp với các trường nghề, khảo sát để tư vấn người dân hợp nghề gì để đào tạo cho đúng, còn cứ làm tràn lan, học theo “phong trào” chỉ  làm tốn kém kinh phí của Nhà nước mà thôi. Dạy và học nghề phải lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá, đừng lấy số lượng như số lớp, số người học, còn chất lượng sau học không ai biết.

Các Hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... phải tăng cường giám sát việc đào tạo nghề thay vì chỉ vận động đi học như hiện nay. Thực tế cho thấy rất nhiều học viên không tuân thủ kỷ luật, nghỉ học không có lý do, đi học muộn bỏ về sớm, không ghi chép bài... Không ít đoàn viên, hội viên đi học để lấy mấy chục ngàn mỗi ngày.

Thứ tư, đẩy mạnh việc phân luồng và hướng nghiệp từ lớp cuối bậc THCS. Không ít học sinh học kém, học yếu nhất là con em cán bộ vẫn học lên THPT và Đại học để “làm quan”.

Để phân luồng và hướng nghiệp đúng, đỏi hỏi phải đánh giá đúng chất lượng học sinh. Nếu học yếu, học kém không nên để các em học lên, mà đưa các em vào các cơ sở vừa học nghề vừa học văn hóa. Các bậc phụ huynh cần nhận thức đúng đắn và đầu tư cho con em mình vào các cơ sở dạy nghề, không nên và không bắt con vào Đại học để học ra thất nghiệp thày không được, thợ không xong.

PHÙNG VĂN MÙI/ Nông nghiệp