Đến 2020: 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn ở Đà Nẵng đạt chuẩn

Đến 2020: 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn ở Đà Nẵng đạt chuẩn
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo chuẩn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), 80% xã, phường có thiết chế trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT), 20% các phường còn lại có nhà văn hóa, được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm cho hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030, hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở tại Đà Nẵng đã được hình thành và từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực ngày càng cao của cộng đồng.

Thành phố đã ban hành Quyết định 6273/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và hoạt động của trung tâm VH-TT phường, xã trên địa bàn thành phố.

 
Đoàn thanh niên xã Hòa Nhơn, huyện Hòa An tổ chức sinh hoạt hè cho đoàn viên địa phương
tại trụ sở nhà văn hóa thôn Ninh An. (Ảnh: Thu Thủy)

Đến nay, thành phố có 36/56 phường, xã có các hạng mục thiết chế VH-TT (19 nhà văn hóa, 08 khu vui chơi giải trí, 08 công viên vườn dạo, 22 khu thể thao), đạt 64,2%; trong đó 13 trung tâm VH-TT phường, xã cơ bản đủ thành phần chính gồm nhà văn hóa và khu thể thao (đạt 23%), 24 trung tâm VH-TT có thiết chế nhưng chưa đầy đủ, chỉ có 01 trong các hạng mục như nhà văn hóa/công viên vườn dạo/khu vui chơi giải trí/khu thể thao, chiếm 41%.

Riêng với huyện Hòa Vang, 118/119 thôn có nhà văn hóa, trong đó 53,4% đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Với 06 khu công nghiệp tập trung gồm Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quy mô 1.066,52ha, và 03 khu công nghệ thông tin đang được triển khai xây dựng là Khu công nghệ cao Đà Nẵng và 02 dự án khu công nghệ thông tin tập trung với khoảng 73.210 lao động song mới chỉ có duy nhất Trung tâm VH-TT công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) được đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng, diện tích 4.500 m2 với hội trường 250 chỗ ngồi, phòng làm việc, phòng tư vấn pháp luật, hai sân bóng đá mini, và hai sân bóng chuyền.

Ở cấp thành phố, Đà Nẵng mới chỉ có 01 nhà văn hóa lao động thành phố (xây dựng năm 2009, diện tích 13.600 m2) đáp ứng đầy đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao cho cán bộ viên chức - lao động trên địa bàn. Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư nhà văn hóa lao động tại quận Liên Chiểu, đến năm 2030 tại quận Sơn Trà (đạt chỉ tiêu 30% số đơn vị hành chính theo quy hoạch), kinh phí dự kiến 4 tỷ đồng/nhà văn hóa từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Do phải liên tục đổi địa điểm làm việc trong những năm qua nên hoạt động của Trung tâm văn hóa thành phố (tại tầng 3 của Trung tâm hội chợ triển lãm Đà Nẵng và số 32 Bạch Đằng) gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết chức năng. Việc tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các lớp năng khiếu, nghệ thuật… đều phải tìm địa điểm hoặc thuê bên ngoài.

Tính trung bình, hệ thống thiết chế VH-TT cấp phường, xã của thành phố biển miền Trung mới được đầu tư khoảng 40% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020, trong đó chỉ có huyện Hòa Vang và quận Hải Châu đạt trên 50%, đặc biệt quận Liên Chiểu chỉ mới đầu tư hoàn thành 15% yêu cầu.

Thực tế là kinh phí đầu tư chủ yếu từ vốn ngân sách, nguồn xã hội hóa huy động còn hạn chế. Bên cạnh kinh phí sự nghiệp văn hóa phân bổ theo dân số, hàng năm, mỗi trung tâm VH-TT phường, xã được cấp riêng 80 triệu đồng và 100 triệu đồng đối với trung tâm VH-TT kết hợp trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các hoạt động và duy tu bảo dưỡng nhỏ.

Số liệu của Sở VH-TT Đà Nẵng (tới tháng 10/2018) cho thấy, các trung tâm VH-TT, khu vui chơi giải trí ở phường/xã sau khi được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thiết bị đã thu hút khá đông trẻ em và người dân, có thể kể ra như phường Thuận Phước, An Hải Đông, Hòa Bắc, Hòa Ninh… số hoạt động tăng 30-50%, lượng người tham gia tập luyện và vui chơi tăng 50-80%, mỗi ngày đón 150-200 người đến vui chơi, tập luyện thể thao hay đi dạo (chủ yếu sáng sớm và chiều tối).

Bên cạnh đó, nhiều nơi đã chủ động hợp tác với các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình cà phê sách, câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ, yoga, võ thuật… để tăng nguồn thu bù vào chi phí điện nước, duy tu, bảo dưỡng như Hòa Cường Bắc, Thuận Phước (quận Hải Châu), Vĩnh Trung, Chính Gián (quận Thanh Khê), An Hải Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, chỉ được sử dụng vào việc tổ chức hội họp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sinh hoạt của các hội, đoàn thể ở địa phương.

Luật số 15/2017/QH14 về quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 21/6/2017 có hiệu lực từ 01/01/2018; Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính đã ban hành 09 Thông tư hướng dẫn thi hành, theo đó đối với tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập được trang bị để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất thì có thể kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Tại Đà Nẵng, công tác quy hoạch đất cho mạng lưới thiết chế VH-TT cơ sở đã được duyệt, công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và tổ chức. Tuy nhiên, Luật quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn khá mới, chưa được triển khai kịp thời. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của cán bộ tham mưu, lãnh đạo cấp ủy ở phường, xã và quận, huyện ở Đà Nẵng là làm thế nào để liên doanh, liên kết, cho thuê nhằm khai thác tối đa cơ sở vật chất đã được đầu tư.

Do đó, chính quyền thành phố đề nghị Bộ VHTT&DL phối hợp với các Bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn thêm, góp phần tiết kiệm nguồn ngân sách./

Anh Tuấn./ ĐCS