Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%
Theo ước tính, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.

8 huyện nghèo thoát nghèo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ, chênh lệch giàu nghèo giảm.

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6% - Ảnh 1

Người nghèo được hướng dẫn chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Bà Chu Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%), tại các huyện nghèo là 63,26% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%). Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.

Tại các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2017, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.

“Đến nay, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn (trong đó có 3/7 huyện theo Quyết định số 615/QĐ-TTg và 11/23 huyện theo Quyết định số 293/QĐ-TTg); có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình; 21/2.139  xã 135 hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới”, bà Hạnh thông tin.

Về kết quả giảm nghèo phân theo hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, năm 2015, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước, số hộ nghèo về thu nhập là 1.777.758 hộ, tương ứng 7,47% trong tổng số 9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 573.270 hộ, tương ứng 2,41% trong tổng số 9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước. Năm 2016, số hộ nghèo về thu nhập là 1.583.764 hộ, tương ứng 6,56% trong tổng số 8,23% tỷ lệ hộ nghèo cả nước; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 349.628 hộ, tương ứng 1,45% trong tổng số 8,23% tỷ lệ hộ nghèo cả nước. Năm 2017, tổng số hộ nghèo là 1.642.489/24.511.255 tổng số hộ dân, tương ứng 6,70% (trong đó: số hộ nghèo về thu nhập là 1.423.912 hộ, tương ứng 86,69% so với tổng số hộ nghèo và 5,81% so với tổng số hộ dân; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 212.229 hộ, tương ứng 12,92% so với tổng số hộ nghèo và 0,87% so với tổng số hộ dân). Như vậy, cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, kể cả ở các chiều và chỉ số thiếu hụt.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, kết quả giảm nghèo vượt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn nguyên nhân chủ yếu do tách hộ, do gặp rủi ro như ốm đau, bệnh tật… Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%.

Vẫn còn một số người dân thiếu động lực vươn lên thoát nghèo

Theo đánh giá của Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở mức hỗ trợ còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo,… Bên cạnh đó là sự thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6% - Ảnh 2Người dân được đào tạo nghề để nâng cao thu nhập.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế; địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, đòi hỏi suất đầu tư lớn…. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo; trình độ sản xuất của đồng bào vẫn còn dựa vào phương thức canh tác giản đơn, chủ yếu là quảng canh, tự cấp, tự túc, dựa vào thiên nhiên.

Bên cạnh đó có thể kể đến khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp. Tâm lý của người dân tộc thiểu số không muốn xa nơi cư trú, nên hiệu quả công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đối với người dân tộc thiểu số chưa cao. Việc tiếp nhận áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nguyên nhân của những hạn chế trên còn do công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhưng chưa được bố trí ngân sách thực hiện, làm hạn chế đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở khu vực này. Bà Hạnh lấy ví dụ như Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025;

Tỷ lệ vốn hàng năm chủ yếu đầu tư hạ tầng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế tăng thu nhập còn chiếm tỷ lệ thấp. Một bộ phận đồng bào còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thiếu động lực vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo.

Nhân Tháng cao điểm vì người nghèo, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức. Theo đó, ngày 12/10 tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương huyện, xã, hộ gia đình thoát nghèo. Chiều cùng ngày sẽ tổ chức lễ trao giải báo chí viết về giảm nghèo, đồng thời phát động nhắn tin ủng hộ người nghèo. Đặc biệt, ngày 17/10 – Ngày quốc tế chống đói nghèo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, VTV tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình vì người nghèo. Tại chương trình sẽ có những gian hàng trưng bày các sản phẩm của mô hình giảm nghèo; vinh danh cac doanh nghiệp đã ủng hộ cho chưng trình vì người nghèo và phát động ủng hộ xây nhà cho các hộ nghèo Mường Lát (Thanh Hóa).


Tác giả bài viết: VÂN KHÁNH

Nguồn tin: baodansinh.vn