Đến thời quả trứng lên ngôi: Có thể thu về tỷ USD từ xuất khẩu
- Chủ nhật - 23/07/2017 00:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất trứng tươi, tại sao không?
Sau khi thành công với chuỗi liên kết chăn nuôi gà thịt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, EU, công ty De Heus tiếp tục dấn thêm sang con heo và quả trứng. Giữa tuần trước, ông Nguyễn Minh Khanh, đại diện De Heus, đã có buổi tiếp xúc với công ty TNHH SX-TM Trại Việt (Vietfarm) để bàn hợp tác xây dựng chuỗi trứng gà đẻ xuất khẩu. Theo đó, công ty De Heus với kinh nghiệm sản xuất thức ăn hàng đầu châu Âu, cam kết đưa ra giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho con gà. De Hues cũng “kéo” BELGA, một liên doanh của Bỉ chuyên sản xuất con giống cung cấp cho các trại chăn nuôi giống gà đẻ. Bước đầu, các bên chọn một số trang trại chăn nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn để liên kết, cung cấp thức ăn, con giống, kỹ thuật; và Vietfarm có nghĩa vụ thu mua trứng đưa về nhà máy xử lý xuất khẩu.
Trứng sản xuất theo chuỗi, đạt chứng nhận GlobalGAP chắc chắn sẽ được bán tốt hơn vào phân khúc nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang.
“Với kinh nghiệm hai năm làm thành công con gà thịt xuất khẩu sang thị trường Nhật và EU của De Heus, tôi tự tin chuỗi liên kết này sẽ thành công!”, ông Nguyễn Minh Khanh nói.
Cũng như cách làm với con gà thịt xuất đi Nhật, EU, quả trứng muốn xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở Việt Nam, ngành chăn nuôi gà đẻ phát triển ngang ngửa với gà trắng công nghiệp về quy mô đàn, tổng số trại và công nghệ lẫn kỹ thuật chăn nuôi. Các trại gà đẻ, đã, đang được đầu tư các thiết bị tiên tiến nhất của thế giới. Từ tư nhân đến các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đều nuôi gà với quy mô lên tới hàng trăm, hàng triệu con. Nuôi gà đẻ bây giờ không còn nuôi chuồng hở như trước. Gà sống và đẻ trứng trong không gian kín, có máy lạnh chạy phà phà nên chất lượng quả trứng và khả năng kiểm soát kháng sinh, dịch bệnh khá tốt. Ấy vậy mà, cũng như con heo, quả trứng vẫn cứ bấp bênh, lúc đắt lúc rẻ nên rất cần phải có một kế hoạch thay đổi để hướng tới xuất khẩu!
Vấn đề còn lại là tìm đâu ra được thị trường xuất khẩu và kiểm soát làm sao để có giá thành ổn định, tốt nhất để cạnh tranh với thế giới. Ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc Vietfarm, cho biết công ty đã đầu tư nhà máy xử lý trứng bằng công nghệ Nhật Bản từ nhiều năm nay. Các năm trước, Vietfarm từng xuất khẩu trứng tươi sang một số thị trường nhưng kinh nghiệm cho thấy, giá trứng trong nước lúc tăng lúc giảm, trong khi thị trường xuất khẩu đòi hỏi sự ổn định lâu dài. Lý do này khiến công ty phải ngưng kế hoạch xuất khẩu lại. Hiện nay, Vietfarm đang xuất khẩu trứng vịt muối, nhưng công ty cũng phải áp dụng giải pháp tự nuôi và liên kết với các trang trại ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh nhằm kiểm soát giá thành, kiểm soát chất lượng.
“Thị trường xuất khẩu quả trứng tươi khá lớn. Nhiều nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi, ngay cả Singapore, Nhật, Myanmar… cũng cần trứng tươi, nhưng rất tiếc chúng ta chưa tiếp cận được. Nếu làm theo chuỗi để có giá thành và chất lượng ổn định thì Vietfarm, vốn có sẵn kinh nghiệm xuất khẩu và nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP, HALAL, sẽ xúc tiến xuất khẩu thành công!”, ông Hoạt khẳng định.
Làm chuỗi để kiểm soát giá, chất lượng!
Cùng nhìn về một hướng, cùng mục tiêu: cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc; sự ổn định trong sản xuất; lợi nhuận vừa phải để an tâm sản xuất và biết chia sẽ khó khăn với các đối tác trong chuỗi là đích đến trong liên kết chuỗi chăn nuôi mà doanh nghiệp, nông dân đặt ra.
Ông Nguyễn Minh Khanh nói quả trứng nếu làm theo chuỗi, các bên cùng cam kết các điều khoản đúng như như hợp đồng, thì giá thành và chất lượng hoàn toàn cạnh tranh được. Bởi lợi thế lớn nhất của làm theo chuỗi, theo ông Khanh, đó là giá thành lẫn chất lượng quả trứng được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu.
“Từ con giống, thức ăn, khấu hao chuồng trại, các chi phí nhân công, điện, nước… đều được các bên tính toán kỹ càng trước khi thực hiện. Thậm chí, nếu chúng tôi biết trước được giá xuất khẩu cũng có thể lên kế hoạch, tính toán chi phí sản xuất sao cho hợp lý!”, ông Khanh nói thêm.
Không chỉ nhắm đến xuất khẩu, tới đây, ngay ở thị trường nội địa, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được siết chặt lại. Chẳng hạn từ đầu tháng 9 tới, TP.HCM là địa phương đi đầu truy xuất nguồn gốc quả trứng. Một thị trường trứng lên đến năm, sáu triệu quả mỗi ngày tại thành phố, phải từ từ loại bỏ tình trạng bán trứng không đóng hộp, không có nguồn gốc. Rõ ràng, đây là cơ hội để sản xuất liên kết chuỗi có đất sống.
“Một quả trứng sản xuất theo chuỗi, đạt chứng nhận GlobalGAP chắc chắn sẽ được bán tốt hơn vào phân khúc nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang. Ngay cả người tiêu dùng bình thường cũng có nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng”, ông Đàm Văn Hoạt cũng tự tin về hiệu quả khi hợp tác sản xuất trứng theo chuỗi.