Đi săn “vũ nữ chân dài” trong đêm ở miền Tây
- Thứ tư - 14/06/2017 10:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mùa soi nhái chỉ có một lần trong năm, vì mùa mưa bắt đầu (khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch) cũng là lúc nhái sinh sản.
Một con nhái đã bị tóm gọn trong tay
Đến mùa soi nhái, nhiều gia đình ở nông thôn sẽ chuẩn bị dùng cụ để đêm đêm đi bắt nhái. Dụng cụ đi săn cực kỳ đơn giản, chỉ gồm một thùng đựng hoặc bọc ni long và một chiếc đèn pin, kể cả trẻ con cũng có thể đi săn được.
Thời điểm bắt đầu săn nhái phải là lúc trời đã tối hẳn, từ khoảng 7 giờ tối, đặc biệt tránh những đêm sáng trăng vì khi đó rất khó bắt được nhái. Vào mùa này, nhái bắt cặp sinh sản nên thường kêu râm ran phá vỡ không khí tĩnh lặng. Người đi săn sẽ dùng đèn pin rong ruổi khắp cánh đồng, tìm bắt những con nhái ẩn nấp ở những bụi rậm hoặc ao nước tụ.
Thành quả của một buổi soi nhái
Nói về kỹ thuật bắt nhái, ông Trần Văn Hoàng (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết: Muốn bắt được nhái cần phải đi thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động vì nhái rất nhạy và nhanh. Đầu tiên gọi đèn tìm con nhái từ xa, sau khi phát hiện con nhái thì bước nhẹ nhàng đến, chặn đầu con nhái và nhanh tay chụp lấy nó.
Nhái được chế biến thành nhiều món, theo người dân miền Tây thịt nhái chắc và ngọt hơn thịt ếch vì sống trong tự nhiên
Cũng theo ông Hoàng, vào lúc mưa nhiều thì nhái càng sinh sản nhiều, một số người có khi một đêm chỉ vài tiếng đồng hồ đã bắt được cả chục kg nhái.
Nhiều người đi săn nhái để bán kiếm thêm thu nhập, với giá từ 45-50.000 đồng/kg, nhái lột da sẵn 60-70.000/kg. Còn một số người thì bắt để làm thức ăn trong gia đình, nhái chế biến thành các món ăn như nấu cà ri, xào lăn, kho tiêu, xào củ hành đều rất thơm ngon.