Đi tìm át chủ bài cho nông sản Việt
- Thứ sáu - 08/06/2018 04:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo bà Thực, người dẫn dắt khâu thương mại là người quyết định sản xuất và chế biến. Do đó, nông dân và doanh nghiệp làm nông sản cần chủ động trong câu chuyện tham gia thị trường và nắm chắc được quy trình khép kín từ sản xuất tới đầu ra. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, cần phải có chợ thương mại điện tử để dần thay thế cách bán hàng truyền thống manh mún, không hiệu quả.
“Trung Quốc có thể coi là ví dụ điển hình khi vừa là thị trường lớn về tiêu dùng, vừa là người làm chủ cuộc chơi vì biết cách chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông sản ra toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam mới quan tâm tới cung ứng, bỏ lỡ các khâu khác. Nếu Việt Nam có thể chứng minh khả năng chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu thì sẽ thu hút được các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như các nước phát triển đầu tư chuyển giao công nghệ chế biến nông sản”, bà Thực nhận định.
Còn theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty công nghệ khởi nghiệp Lina Network, át chủ bài để phát triển nông nghiệp chính là thị trường. Hiện nay, nông nghiệp phát triển tốt, có lợi thế về điều kiện địa lý, con người, chính sách hỗ trợ…, song một nghịch lý vẫn thường xuyên xảy ra là được mùa mất giá, được giá mất mùa, thậm chí vừa mất mùa vừa mất giá.
“Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, phải tìm hiểu xem thị trường cần gì để đáp ứng cho phù hợp, thay vì có gì bán nấy”, ông Ca nhấn mạnh
Từ kinh nghiệm là một nhà thu mua, phân phối chuyên nghiệp tại thị trường quốc tế, nắm rõ hiện trạng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group (Thái Lan) cho rằng, nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt, đồng thời phải nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mới có thể mở rộng tiếp cận các thị trường lớn một cách bền vững.
“Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Tuy được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá cả hợp lý, song thực tế, do không có thương hiệu nên chè xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, trở thành nguyên liệu cho các nước có công nghệ chế biến và thương hiệu tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất khẩu sang các thị trường lớn với giá trị cao gấp mấy lần giá xuất khẩu ban đầu của Việt Nam”, ông Hải chia sẻ.
Đại diện nhà phân phối lớn của Thái Lan cũng cảnh báo, không chỉ có chè, gần đây, sản phẩm gạo và hạt tiêu đen Việt Nam, vốn là những mặt hàng có lợi thế cũng bị cạnh tranh rất mạnh từ nhà xuất khẩu Campuchia. Do đó, nếu không tạo dựng được sự khác biệt, sớm muộn doanh nghiệp nông sản Việt Nam cũng sẽ mất lợi thế xuất khẩu.
“Cùng với việc tập trung nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kỹ thuật để thiết kế, chế biến, đóng gói sản phẩm cho phù hợp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận trong quá trình xuất khẩu”, ông Hải khuyến nghị.
Quan tâm tới việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, át chủ bài cốt lõi để nâng tầm nông sản và nông nghiệp chính là vấn đề chất lượng tiêu chuẩn và giá trị gia tăng. Bà Hạnh cho hay, bà rất sốc trước thực trạng “bát nháo” về tiêu chuẩn và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, cũng như cách làm tùy tiện của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, cho đến nhà sản xuất.
Theo bà Hạnh, hiện nay, Việt Nam đã bị nhiều thị trường lớn từ chối nhập sản phẩm, đồng thời nhận cảnh báo về chất lượng nông sản. Để thoát khỏi “danh sách đen” này, bà Hạnh đề xuất Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy mới khôi phục được uy tín để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.