Điện Biên tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 21/10/2018 21:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau ba năm triển khai thực hiện, nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, đã xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động, tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Trình độ, năng lực quản lý của cán bộ, công chức các cấp trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Đến tháng 6-2018, tỉnh Điện Biên có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và ba xã cơ bản đạt chuẩn; số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm gần 14%. Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm nay có thêm sáu xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn tăng lên 12,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 41%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,7%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 80,36%.
Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên xác định giai đoạn 2018 - 2020 sẽ xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Tỉnh phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi; gắn phát triển công nghiệp, dịch vụ với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân... Cùng với đó, các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí nông thôn mới. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, lựa chọn hai thôn, bản để thực hiện xây dựng thôn, bản “nông thôn mới kiểu mẫu”. Với các nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020, tập trung giữ vững và phát triển các tiêu chí đã đạt, lồng ghép cân đối nguồn lực để thực hiện các tiêu chí gần đạt.
* Theo kết quả xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2018 được Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Tin học Việt Nam công bố, tỉnh Hưng Yên lần đầu lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Tỉnh Hưng Yên đứng ở vị trí thứ 9, tăng tới 22 bậc so với năm trước, với chỉ số ICT Index 0,5752. Trong đó, chỉ số hạ tầng kỹ thuật và chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đều xếp thứ 13; chỉ số hạ tầng nhân lực xếp thứ 5. Đây là sự vươn lên vượt bậc so với vị trí thứ 31 năm 2017, vị trí thứ 29 năm 2016 và vị trí thứ 52 năm 2015.
Để có bước đột phá về chỉ số xếp hạng ICT Index, Hưng Yên luôn quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng về công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, mạng diện rộng WAN (mạng chuyên dùng) của tỉnh đang được triển khai xây dựng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phục vụ kết nối đến mạng truyền số liệu quốc gia. Trung tâm dữ liệu được đầu tư thiết bị bảo mật, lưu trữ dữ liệu, hệ thống máy chủ… đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh và theo ngành, lĩnh vực (đạt tiêu chuẩn UTI với mức độ Tier III). Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai từ cấp tỉnh ở 17 đơn vị, cấp huyện 10 đơn vị, cấp xã 161/161 đơn vị; bước đầu cung cấp hơn 900 dịch vụ. Việc cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, cung cấp các thủ tục hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai, áp dụng đồng bộ. Bộ phận một cửa của các cơ quan đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, bên cạnh đó việc triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông các cấp đã được thực hiện để tiếp nhận và công khai quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh Hưng Yên quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để lĩnh vực này thật sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững.