Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp: “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”

Trong hai ngày 7-8/8/2019, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”. Tham dự diễn đàn có bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Đại Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang và các đại biểu đến từ Phú Thọ, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Tuyên Quang.
Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp: “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Hiện nay, tổng đàn đại gia súc của cả nước ta là khoảng 2,4 triệu con, trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có tổng đàn lớn nhất, xấp xỉ 1,4 triệu con. Ngành chăn nuôi đại gia súc đang từng bước chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn nên năng suất, sản lượng sản phẩm gia súc đang ngày một gia tăng. Phương thức chăn nuôi cũng đã có những thay đổi tích cực, hình thành chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, điển hình là các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100%, cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.

Khu vực miền núi phía Bắc với lợi thế đất đai rộng, có nhiều đồng cỏ tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tại nhiều địa phương, chăn nuôi đại gia súc đã và đang trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn. Đến nay, tổng đàn bò toàn vùng chiếm 17,5%, đàn trâu chiếm gần 57%, đàn dê chiếm gần 35% và đàn ngựa chiếm 88,6% tổng đàn của cả nước. Tổng sản lượng thịt đạt khoảng hơn 500.000 tấn/năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Mặc dù được đánh giá là ngành hàng có lợi thế, nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ở nước ta phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng bởi sản lượng thịt mới chiếm khoảng 8% (thịt lợn chiếm 70%, thịt gà 20%). Chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến và công tác kiểm soát dịch bệnh, anh toàn thực phẩm. Đặc biệt là tại khu vực miền núi phía Bắc, giá trị gia tăng còn thấp, chưa có đầu tư vào sản xuất, chưa liên kết được với doanh nghiệp.

Các đại biểu đã đến thăm quan mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Mục tiêu của diễn đàn là giúp người chăn nuôi cập nhật được các chủ trương, chính sách của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát triển chăn nuôi đại gia súc, cũng như thông tin về thị trường, hướng tới chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo điều kiện để các đại biểu trao đổi, chia sẻ và thảo luận cùng các chuyên gia những vấn đề về tiến bộ kỹ thuật, giống, chăm sóc nuôi dưỡng, cách tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và thay đổi cách tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của người tiêu dùng hiện nay.

Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã có những bài tham luận về tình hình phát triển chăn nuôi đại gia súc tại một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc; những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; các giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững…

Trong khuôn khổ của diễn đàn, các đại biểu đã đến thăm quan mô hình liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang./.

Theo Thanh Tâm/https://www.mard.gov.vn