Diện mạo mới của nông nghiệp, nông thôn
- Thứ tư - 18/03/2015 05:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh ta hiện có gần 1,4 triệu người với trên 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn. Tỉnh có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng; nhiều sông suối, đất bazan màu mỡ; khí hậu có nền nhiệt thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp ngắn, dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, mía, thuốc lá… và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nền nông nghiệp mang tính thuần nông, tự cung tự cấp, độc canh cây lương thực đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh, phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Tổng sản lượng lương thực năm 2014 đạt 566.738 tấn (gấp 2,76 lần so với năm 1990). Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống liên tục được đưa vào sản xuất. Năng suất các loại cây trồng tăng qua các năm như năng suất lúa năm 2014 đạt 46,6 tạ/ha, gấp gần 3 lần so với năm 1985; năng suất bắp đạt 42,2 tạ/ha, gấp 2,8 lần so với năm 1990; năng suất cà phê đạt 26,8 tạ/ha, gấp 5,96 lần so với năm 1990. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2014 đạt 9.272,18 tỷ đồng, gấp gần 4,2 lần so với năm 1990…
Bên cạnh việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn đã được hình thành và phát triển, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có trên 38.100 ha mía gắn với 2 nhà máy chế biến đường có tổng công suất 16.000 tấn mía cây/ngày; cây bắp với diện tích trên 53.000 ha/năm, sản lượng đạt gần 226.000 tấn; cây mì có diện tích trên 61.500 ha, cung cấp đủ nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến mì trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất 66.000 tấn sản phẩm tinh bột mì/năm; cây cao su với diện tích trên 103.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy chế biến với công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm; cây cà phê với diện tích gần 80.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho 21 cơ sở chế biến cà phê bột và cà phê nhân; cây hồ tiêu gần 12.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm; cây chè trên 860 ha cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến với công suất 5.500 tấn/năm; cây điều gần 17.100 ha, cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy, với công suất 20.000 tấn/năm; đậu các loại gần 18.200 ha, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong khu vực.
Cây mía giúp người dân vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Ảnh: L.N |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 349 công trình thủy lợi, trong đó có 118 công trình hồ chứa, 191 công trình đập dâng, 40 công trình trạm bơm, với tổng năng lực thiết kế tưới cho gần 54.300 ha cây trồng các loại. Ngoài ra, còn có hàng ngàn công trình tạm do nhân dân tự thực hiện để phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, với diện tích tưới hàng năm khoảng 50.000 ha.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành chăn nuôi hình thành và phát triển một số vùng chăn nuôi tập trung với quy mô lớn như nuôi bò tại huyện Đak Pơ, Kbang, An Khê, Kông Chro; chăn nuôi heo hướng nạc và chăn nuôi gà công nghiệp, gà thả vườn tại Pleiku, An Khê, Đak Pơ, Chư Pah, Ia Grai; nuôi ong Ý tại Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ… Tổng đàn gia súc năm 2014 đạt 969.860 con, gấp 1,98 lần so với năm 1995, gấp gần 3,4 lần so với năm 1985. Tỷ lệ đàn bò lai đạt 44,7%, tăng gấp 1,79 lần so với năm 2000, gấp 29,8 lần so với năm 1990.
Cơ sở hạ tầng nông thôn và các điều kiện hỗ trợ, đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, làng nghề, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Hiện đã có 100% xã có điện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% làng, xã có trường học, 100% xã có trạm y tế xã, 100% xã có điện thoại, 84,05% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, 25/185 xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo là 23,7% thì nay giảm xuống còn 13,96% năm 2014 (trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 29,13%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,5 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 16 triệu đồng/năm (năm 2014).
Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo baogialai.com