Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của HTX?

Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của HTX?
Khẳng định vai trò tất yếu, không thể thay thế của HTX trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu nhiều bất cập đang kìm hãm sự phát triển của HTX tại nước ta, đặc biệt là chính sách hỗ trợ.

Những quan điểm, định hướng quan trọng này đã được ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết triển khai Luật HTX năm 2012 của Chính phủ diễn ra ngày 6/12.  

DN không thể phủ bóng hết được HTX và hộ cá thể

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua gần 5 năm triển khai Luật HTX 2012, việc hình thành các HTX kiểu mới ngày càng có tốc độ cao hơn. Các HTX mới có chất lượng tốt hơn, thể hiện sự chuyển biến rất có ý nghĩa. Đây là tín hiệu đáng mừng. Một số địa phương có chuyển biến rất tốt như Hà Giang, Đồng Tháp, Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng... Trong đó, nhiều tỉnh miền núi có điều kiện KT-XH rất khó khăn như Hà Giang, Hòa Bình nhưng lại là những địa phương đi đầu trong phát triển HTX. Từ thực tiễn này cho thấy, nơi nào có sự vào cuộc của địa phương, nhất là người đứng đầu như bí thư, chủ tịch các tỉnh thì nơi đó thành công trong phát triển HTX...

16-26-25_nhn
Ông Nguyễn Thiện Nhân trong một lần thăm mô hình HTX tiêu biểu tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Tuy nhiên về tổng thể, việc triển khai phát triển HTX vẫn chưa đạt yêu cầu. Các báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai Luật HTX về Trung ương một cách đầy đủ, đạt yêu cầu mới chỉ có 35 tỉnh thành, chỉ chiếm 53%. Điều đó cho thấy cảm nhận chung sự chuyển biến về triển khai Luật HTX cũng mới chỉ trên một nửa.

Về nhận thức, một số địa phương chưa khẳng định được vị trí rõ ràng của hộ cá thể, vị trí của HTX và của DN trong cả chuỗi liên kết, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mỗi loại hình kinh tế này đều có một hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, địa phương nào chưa khẳng định và nhận thức được rằng hộ cá thể về căn bản là không phù hợp với kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập thì vẫn còn chần chừ trong hành động.

Thực tiễn cho thấy, một số địa phương có điều kiện làm tốt, điển hình như TP. HCM mặc dù đã có nhiều chính sách để phát triển HTX, tuy nhiên tổng kết vừa qua cho thấy, sản phẩm nông nghiệp của thành phố vẫn còn tới 77% là của hộ cá thể, chỉ có 3% là từ trang trại (quy mô diện tích dưới 1ha). Hơn 80% giá trị SX nông nghiệp của TP. HCM hiện nay cũng là từ hộ cá thể, 15% là từ các DN và chỉ có khoảng 5% là từ HTX. Điều đó cho thấy, vai trò của hộ cá thể vẫn còn rất lớn, DN dù TP. HCM đã rất mạnh nhưng cũng chỉ đóng góp không đáng kể, trong khi đó HTX trong cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất thấp.

Vai trò của DN dù rất có ý nghĩa nhưng vai trò của nó sẽ không thể phủ được bóng của nông dân và hộ cá thể. Điều đó đã và đang xẩy ra. Các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... nông dân đều tham gia vào HTX. Vai trò của DN chỉ có thể tham gia hợp đồng với một số nông dân làm lao động trực tiếp; hai là cung cấp vật tư đầu vào chất lượng cao cho các HTX và thứ ba là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và HTX, chứ DN không thể phủ bóng hết được nông dân và HTX.

Tại TP. HCM, khảo sát cho thấy, DN mặc dù đóng góp 15% giá trị SX của ngành nông nghiệp, nhưng cũng chỉ thu hút được trên dưới 1% đất nông nghiệp và chỉ 2-3% lực lượng lao động. Đây cũng là bức tranh chung của cả nước hiện nay với trên 95% đất đai và lực lượng lao động trong nông nghiệp là của cá thể và HTX. Vị trí của DN trong nông nghiệp là vô cùng quan trọng, nhưng nó không thay thế được cho đa số hộ nông dân (và dần dần sau này sẽ là HTX).

Hộ cá thể hiện nay vẫn là thành phần kinh tế truyền thống của quốc gia, mặc dù đã và đang cố gắng thích nghi nhưng về lâu dài, đây không phải là mô hình thích ứng với kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập mà phải là HTX. Việc cạnh tranh về chất lượng, xuất xứ hàng hóa lâu nay chúng ta rất yếu, bởi hộ cá thể không thể đảm đương được. Yêu nông dân, thương nông dân thì chúng ta phải vận động họ vào HTX, nếu không sẽ không thể có được hiệu quả lâu dài.  

HTX vẫn tự bơi là chính

Hiệu quả so sánh của nông dân khi tham gia vào HTX và không tham gia vào HTX hiện nay chúng ta chưa có đánh giá bằng các con số cụ thể để thuyết phục được nông dân khi tham gia vào HTX.

Khảo sát cụ thể đối với hộ nông dân và HTX trồng cùng mặt hàng rau xanh tại TP. HCM vừa qua đã cho thấy những lợi ích cụ thể. Theo đó, năng suất rau của HTX theo khảo sát bình quân chỉ cao hơn so với năng suất của hộ cá thể bên ngoài khoảng 0,7%. Tuy nhiên, thu nhập của hộ nông dân trong HTX trồng rau lại cao hơn hộ cá thể tới 35,7%. Có được điều này là bởi theo khảo sát, giá bán rau của HTX trung bình cao hơn so với hộ cá thể khoảng 10% do có uy tín và thương hiệu, đồng thời chi phí SX giảm được 25% so với hộ cá thể. HTX giảm được chi phí SX chính là cái quan trọng nhất, bởi giải pháp canh tác của HTX đã hạn chế được việc bón phân và thuốc BVTV thông qua điều hành thống nhất và nhiều khâu khác...

Khó khăn và hạn chế lớn nhất hiện nay, đó là HTX chủ yếu vẫn đang phải dựa vào chính mình. Các chỉ số về hỗ trợ cho HTX thời gian qua còn rất thấp, cụ thể: Số HTX được vay vốn từ ngân hàng chỉ có 1.955 HTX, chiếm 10%; số HTX được hỗ trợ hạ tầng chỉ có hơn 400 HTX được vay vốn, chiếm 2,4%; các HTX được tham gia các chương trình Mục tiêu quốc gia chỉ có 554 HTX được hỗ trợ, chiếm 2,8%; được hỗ trợ về thuê đất và giao đất chỉ có 1.413 HTX, chiếm 7%; được hỗ trợ về giống, thiết bị do thiệt hại chiếm 3%; được hỗ trợ về chế biến thực phẩm chiếm 1,8%... Số HTX được vay vốn từ quỹ hỗ trợ HTX có chỉ số cao nhất về hỗ trợ, nhưng cũng chỉ có khoảng 5.000 HTX được vay, chiếm 25%...

Chung quy lại, các chính sách hỗ trợ hiện nay mà HTX tiếp cận được mới chỉ chiếm trung bình từ 2-3%, còn lại HTX phải tự xoay sở, hết sức khó khăn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ là vấn đề phải điều chỉnh và tập trung nguồn lực trong thời gian tới. Theo đó, phải thống nhất việc hỗ trợ vốn cho HTX phải ngày càng tăng lên, mục tiêu làm sao phải có ít nhất 50% số HTX tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các địa phương phải có sự trao đổi để thống nhất sự cần thiết của việc đẩy mạnh hoạt động của HTX, làm sao tất cả hệ thống tới huyện, xã phải thống nhất được nhận thức này. Đồng thời, phải có chương trình hỗ trợ xây dựng xuất xứ hàng hóa và thương hiệu cho HTX, bởi đây là lợi thế rất quan trọng của HTX so với hộ cá thể.

LÊ BỀN (GHI)/nongnghiep.vn